Với mong muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà chua trái cây Nova.
Sau hơn 5 năm nghiên cứu, thử nghiệm công ty đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật, chế độ chăm sóc và dinh dưỡng cho cây, đến nay, cà chua trái cây Nova hoàn toàn sinh trưởng và phát triển phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng Tây Nguyên, cho năng suất và chất lượng cao. Để đạt được thành công này, cùng với sự nỗ lực của chính công ty còn có sự giúp đỡ rất nhiều từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Bà Nguyễn Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm cho biết: Thời gian qua, Công ty được các nhà đầu tư hỗ trợ phát triển thêm về khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, thiết kế nhật ký điện tử để hoàn thiện và sau này tích hợp vào hệ thống blockchange, có thể truy cập trên toàn thế giới để khách hàng biết rõ về các sản phẩm của Công ty.
Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao như: cà phê (200.000 ha), cao su (40.000 ha), hồ tiêu (21.000 ha). Đắk Lắk có nhiều tiềm năng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và các điều kiện tự nhiên để đáp ứng các yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ khi kết hợp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Minh chứng là năm 2020 nhóm sản phẩm rau củ quả, hồ tiêu, ca cao, cà phê của trang trại nông nghiệp hữu cơ Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã đạt chứng nhận hữu cơ USDA của Châu Âu và chứng nhận hữu cơ JAS của Nhật Bản.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Lắk quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu các nhà đầu tư có tiềm lực để hỗ trợ đưa các thành tựu khoa học công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, để đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chuỗi giá trị nông sản, tỉnh cần quan tâm đến thu hút đầu tư tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Hữu Thời, Tổng giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp Nhất Thống cho rằng: Để đạt được tiêu chuẩn hữu cơ từ khâu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng ra đến tay người tiêu dung, các doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ sản phẩm. Tuy nhiên để đạt được điều đó và hiệu quả trong sản xuất đó thì cần có sự ủng hộ quan tâm rất nhiều từ địa phương để giúp sức cho doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất.
Trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp của Đắc Lắc, bên cạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế. Ban thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; chú trọng phát triển liên kết sản theo chuỗi giá trị, sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất...Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung lắng nghe ý kiến kiến nghị từ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Đình Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk cho biết: Tỉnh đang tiến hành quy hoạch cơ cấu sử dụng đất cũng như quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng, sát với thực tế khi nhà đầu tư đến thì đã có một cơ sở để nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư. Thứ hai là liên kết giữa các nhà. Đây cũng là trách nhiệm của tỉnh, đứng ra thực hiện liên kết. Ba là đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi và những hạ tầng khác phục vụ cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao”./.
Hương Lý/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận