Điều mà ông YDứp Bdáp, trưởng buôn K’Pung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk rất tự hào khi nói về buôn mình là: Từ trước đến nay chưa có gia đình nào ở Buôn K’ Pung bán đi một đám ruộng hay đám rẫy nào! Bà con ai cũng chăm chỉ dựa vào ruộng, vào rẫy để sinh sống. Buôn K’Pung có 350 hộ, chủ yếu là người Ê Đê. Đời sống mọi mặt của bà con ngày một phát triển. Hiện toàn buôn còn 15 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo. Để buôn không còn hộ nghèo là điều nan giải, bởi đây là những hộ yếu thế, nhận thức và kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế. Từ cuối năm 2022, phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện phối hợp UBND xã Hoà Hiệp mở các lớp dạy cách chăn nuôi, trồng trọt và dệt thổ cẩm cho bà con trong buôn. Đây là những nghề không đòi hỏi trình độ văn hóa cao, thời gian đào tạo ngắn. Điều cơ bản là người được đào tạo nghề có thể áp dụng ngay tại gia đình, buôn làng.
Buôn K’ Pung hiện đã có trên 50 phụ nữ tham gia dệt thổ cẩm. Một khung dệt mỗi tháng cũng mang lại thu nhập từ 3 triệu rưỡi đến 4 triệu đồng. Ông YDứp Bdáp khẳng định chính nhờ những lớp học này mà người nghèo, cận nghèo ở buôn K’Pung có điều kiện để vươn lên.
Buôn Hra Ea Hning, xã Dray B’hăng, huyện Cư Kuin cũng có tổ hợp tác thổ cẩm. Ngoài việc được đào tạo để nâng cao tay nghề, chị em còn được hỗ trợ nguồn vốn 30 triệu đồng để mua nguyên liệu. Nhờ đó các thành viên của tổ hợp tác dệt thổ cẩm có việc làm và có thu nhập ổn định. Chị H’Neo tham gia tổ dệt đã gần 3 năm nay. Vì sức khoẻ yếu nên chị không làm việc nặng nhọc mà ngày ngày cần mẫn bên khung dệt. Mỗi tháng sau khi trừ khoản tiền sợi, tiền chỉ chị H’ Neo cũng thu về xấp xỉ 5 triệu đồng.
“Từ khi có tổ dệt thổ cẩm cho đến bây giờ thì cuộc sống của bản thân có nhiều thuận lợi. Một tháng thì tôi dệt được 4 tấm, thu về được 3 đến 4 triệu đồng. Trong nhóm dệt thổ cẩm thì hầu hết cũng gặp không ít khó khăn, trong 6 chị em dệt thổ cẩm chúng tôi thì cũng có chị em rất là khó khăn”, chị H’Neo cho biết.
Ông Bạch Đình Bắc, phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp, huyện Cư Kuin cho rằng: Việc Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện mở các lớp đào tạo nghề cho các đối tượng là bà con dân tộc thiểu số theo quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Tuy nhiên để những đối tượng này thoát nghèo bền vững, họ rất cần nguồn vốn. Trên thực tế, một số đối tượng đã được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Song số lượng tiền được vay còn hạn chế, chưa đủ để chi phí đầu tư ban đầu. Theo ông Bạch Đình Bắc, cần nâng mức tối đa là 100 triệu đồng mỗi hộ, so với mức 50 triệu đồng hiện nay. Có vậy mới đủ vốn cần thiết để đầu tư cho một chuồng trại chăn nuôi với quy mô nhỏ.
“Chúng tôi ở đây chủ yếu là thuần nông, sản xuất thì trồng lúa nước và canh tác cà phê. Tuy nhiên đều phụ thuộc vào giá cả của thị trường. Thí dụ như chăn nuôi thì chúng tôi cùng đào tạo nghề chăn nuôi, tuy nhiên đầu ra thì chúng tôi cũng phụ thuộc. Thứ hai nữa là người dân có vốn để mở trang trại là cực kỳ khó khăn”, ông Bắc cho biết thêm.
Thời gian qua huyện Cư Kuin đã đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của từng buôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo ra thu nhập, góp phần nâng cao mức sống của của bà con. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện Cư Kuin đã mở hàng chục lớp đào tạo nghề cho gần 6.500 người theo học. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu như: may mặc, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi, dệt thổ cẩm; và hiện nay, đã chuyển đổi sang một số ngành nghề phi nông nghiệp như: trang điểm thẩm mỹ, nấu ăn. Trên 80% số người được đào tạo nghề đã có việc làm ổn định.
Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 trong những năm tiếp theo hiệu quả hơn, bà Đặng Thị Huyền Trang, phó Trưởng phòng Lao động Thương Binh xã hội huyện Cư Kuin kiến nghị: "Khó khăn lớn nhất là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị về học nghề của huyện thì được đầu tư rất lâu rồi mà Trung tâm dạy nghề thì không thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình chính sách này nên cơ sở vật chất trang thiết bị cho chương trình đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại của người dân đăng ký tham gia học nghề. Phòng Lao động đã tham mưu cho UBND huyện kiến nghị với sở và đề nghị sở đưa trung tâm giáo dục hướng nghiệp thường xuyên vào đối tượng thụ hưởng của Chương trình 1719”./.
Viết bình luận