Kon Tum phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh chủ lực
Thứ năm, 11:42, 14/11/2024 Nam Trang/VOV Tây Nguyên Nam Trang/VOV Tây Nguyên
VOV4 - Sau 6 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Kon Tum đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Nằm giữa cao nguyên Kon Tum, huyện Kon Plông có độ cao từ 1.200 - 1.500m so với mực nước biển, là vùng đất mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình từ 18 - 22 độ C, tạo ra môi trường lý tưởng cho các cây trồng xứ lạnh, đặc biệt là cà phê Arabica. Anh Lê Nhật Tiến - Phó giám đốc hợp tác xã Măng Đen Forest, huyện Kon Plông cho biết, hàng năm hợp tác xã sản xuất hơn 100 tấn cà phê arabica. Đơn vị đã có 5 dòng sản phẩm cà phê chế biến đang bán tại thị trường, đạt chứng nhận OCOP 3 đến 4 sao.

“Quy trình OCOP rất là hay ở chỗ là giúp hợp tác xã biết định hướng đưa sản phẩm từ ban đầu cho đến ra thị trường để sản phẩm chỉn chu nhất. Ngoài 25 héc-ta hợp tác xã đang trồng mới và chăm sóc thì hợp tác xã muốn mở rộng vùng nguyên liệu, trước mắt là ký hợp đồng với từng hộ cam kết đầu ra cho họ. Ngay từ đầu hợp tác xã có tôn chỉ là đưa những giá trị văn hóa truyền thống của bà con đồng bào người Mơ Nâm vào sản phẩm của mình nên HTX đã lồng ghép hoa văn đặc trưng của người Mơ Nâm vào từng sản phẩm." - Anh Tiến nói.

Công ty Cổ phần Pyloherb chuyên về trồng, thu mua và sản xuất dược liệu tại huyện Đắk Glei và huyện Kon Plong, là đơn vị sở hữu 15 thương hiệu OCOP của tỉnh Kon Tum. Bà Lê Thùy Kim Loan, Tổng giám đốc công ty, cho biết: tham gia chương trình OCOP, doanh nghiệp nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thông qua các chính sách về đất đai, từ đó xây dựng vùng nguyên liệu theo liên kết chuỗi, đầu tư thiết kế bộ nhãn mác phù hợp để sản phẩm tiếp cận tốt với thị trường.

“OCOP là chứng chỉ của sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền rất là cao. Mình cứ bám sát vào chứng chỉ OCOP thì mình sẽ thấy sản phẩm của mình có nét đặc trưng riêng rồi. Dược chất cao, người lao động tại vùng miền, sản xuất tại vùng miền và nguyên liệu của vùng miền. Tất cả đều hòa quyện để tạo nên tính vùng miền rất là cao. Riêng tem OCOP mà được cấp tại tỉnh Kon Tum đã mang dấu ấn sản phẩm đặc trưng dược liệu của vùng Kon Tum này rồi.” - Bà Lê Thuỳ Kim Loan chia sẻ.

Kon Plông là một trong 4 địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh Kon Tum, với 68 sản phẩm. Rất nhiều nông sản được thị trường ưa chuộng như: bí Nhật, bắp sú, cà chua bi, dâu tây, cà phê xứ lạnh Măng Đen, bột sâm đương quy, mật ong lên men, nước trái cây lên men, bột sâm dây lên men vv…  

Trong thời gian tới, huyện sẽ xây dựng các sản phẩm OCOP theo hướng mỗi sản phẩm đóng vai trò là một đại sứ, chuyển tải những câu chuyện về mảnh đất, khí hậu và con người tại đây.

Ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông cho biết: “Huyện cũng đang tập trung nguồn lực hàng năm như thế bố trí nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ phát triển, đặc biệt là tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực có tiềm năng là cà phê xứ lạnh và chè. Đây là 2 lĩnh vực huyện ưu tiên hàng đầu để tạo ra sản phẩm có giá trị và thương hiệu trên thị trường.”

Theo kế hoạch đến 2025, tỉnh Kon Tum phấn đấu có ít nhất 250 sản phẩm OCOP. Cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ chủ thể tiếp tục tham gia chương trình OCOP để có thêm các sản phẩm mới, nhiệm vụ trọng tâm được các ngành chức năng, địa phương đặt ra là phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh.

Bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Tập trung chuẩn hóa các sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu kinh tế của tỉnh, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển xanh thân thiện với môi trường, phù hợp với thế mạnh của tỉnh. Thứ nữa là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến cũng như đưa sản phẩm ra thị trường, trong đó phải thực hiện chuyển đổi số ngay từ trong vùng trồng. Tỉnh phải có cơ chế đặc thù để tập trung ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu cũng như hỗ trợcác sản phẩm OCOP để tham gia vào các sự kiện.”

Hiệu quả mang lại từ chương trình OCOP đã giúp Kon Tum khơi dậy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm của địa phương, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững./.

Nam Trang/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC