Buổi tối cuối tuần, Thượng úy Y Biza Rya, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Ia Rvê, cùng đồng đội vào thăm hỏi người dân thôn 1, xã Ea Rvê. Tuyên truyền nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật cho người dân là một cách để bà con hiểu và cùng chung tay giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới.
Thượng úy Y Biza cho biết, Đồn biên phòng và các cơ quan, ban, ngành của địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền các luật có liên quan đến bà con nhân dân bằng cách tuyên truyền xen kẽ trong các buổi họp thôn, họp chi bộ hoặc các hội nghị ở các điểm thôn. Nhờ đó, bà con dần dần nắm vững và thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.
Với chị Lâm Thị Hợp, thôn 1, xã Ia Rvê, gần 17 năm rời quê hương Bến Tre vào huyện Ea Sup lập nghiệp, nhờ có sự quan tâm giúp đỡ, chăm lo, của chính quyền và các lực lượng tại địa phương mà gia đình hiểu các chính sách, của Đảng, Nhà nước, yên tâm làm ăn, biết việc đúng thì làm, việc sai thì tránh.
Chị Lâm Thị Hợp, Mấy chú bộ đội biên phòng luôn quan tâm cho dân rồi đi tuyên truyền cho dân. Thông qua các buổi tuyên truyền, tôi cũng hiểu về luật và phối hợp với các lực lượng cùng bảo vệ biên giới.
Xã biên giới Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 2.000 hộ với trên 6.900 nhân khẩu thuộc 23 dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, cùng với chính quyền địa phương, Đồn biên phòng Ia Rvê đã trực tiếp bám địa bàn, tham gia giải quyết các vấn đề an ninh nông thôn, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc”, Ia Rvê đã xây dựng được thế trận toàn dân bảo vệ an ninh biên giới.
Thượng tá Nguyễn Xuân Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Rvê, cho biết, đơn vị có 17 đồng chí công tác ở địa bàn. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, công tác trinh sát, ma túy, vận động quần chúng, cả đơn vị luôn nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động người dân chấp hành tốt quy chế biên giới, không vi phạm quy chế biên giới, giữ gìn an ninh trật tự trong thôn, buôn, xã.
Thời gian qua, cùng với việc giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, lực lượng biên phòng đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân vùng biên giới. Từ việc tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, loa cơ động, sinh hoạt tập trung ở thôn buôn, phát tờ rơi, hoặc đến từng hộ gia đình, lồng ghép trong các hoạt động giúp dân sản xuất...
Năm 2022, bộ đội biên phòng Đắk Lắk đã tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền, vận động bà con các xã biên giới tham gia phòng chống dịch bệnh, phòng chống các loại tội phạm về ma túy, mua bán người, vượt biên trái phép. Đồng thời, xây dựng các “Tủ sách pháp luật đường biên”, phối hợp với địa phương thành lập các tổ tư vấn pháp luật, câu lạc bộ chấp hành pháp luật… Đến nay tại Đắk Lắk đã có 26 tủ sách pháp luật với hơn 20 nghìn cuốn sách; 38 Tổ tự quản an ninh trật tự, tự quản đường biên...
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, một trong những mô hình hiện nay chúng tôi đang triển khai phối hợp với địa phương, đó là mô hình “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới” và “Thôn không có thanh niên vi phạm pháp luật” để tạo sự lan tỏa và đẩy mạnh hiệu quả của công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Tỉnh Đắk Lắk có 73km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Camphuchia; có 4 xã biên giới thuộc 2 huyện Ea Sup và Buôn Đôn. Các hoạt động chăm lo phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe và nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng vùng biên giới ngày càng ổn định phát triển./.
Viết bình luận