Đắk Lắk phát triển đảng viên vùng đồng bào có đạo
Thứ ba, 14:57, 26/12/2023 Hương Lý/VOV Tây Nguyên Hương Lý/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Thời gian qua, công tác phát triển đảng viên là người có đạo tại tỉnh Đắk Lắk đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, góp phần thay đổi cơ cấu đảng viên, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Qua đó sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tôn giáo ngày càng được nâng cao, góp phần ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chia rẽ, gây mất đoàn kết dân tộc.

 

Huyện Cư Kuin là một trong những địa phương ở Đak Lak có đông đồng bào theo đạo. Trong đó Công giáo (chiếm trên 67%), Tin lành (chiếm trên 26%) và Phật giáo (chiếm gần 7%). Với mục tiêu tăng số lượng đảng viên là người có đạo, ngày 14/12/2017 Huyện ủy Cư Kuin đã xây dựng và ban hành Đề án số 02 về “Đẩy mạnh phát triển đảng viên là người có đạo gắn với bố trí, sử dụng cán bộ là người có đạo trong hệ thống chính trị cơ sở”.

Mục tiêu của Đề án số 02 là tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào có đạo về quan điểm nhất quán, đúng đắn của Đảng  trong thực hiện chính sách tôn giáo. Từ đó tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Đồng thời, cũng góp phần thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên trong từng Đảng bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên tại những vùng đồng bào có đạo.

Triển khai thực hiện các tiêu chí và các chỉ tiêu trong Đề án số 02 của Huyện ủy, các đảng bộ cơ sở đã cụ thể hoá bằng các nghị quyết chuyên đề theo từ năm. Điển hình, tại Đảng bộ xã Hòa Hiệp đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết chuyên đề số 12 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phát triển đảng viên. Trong đó xác định rõ mục tiêu “Đẩy mạnh việc tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới là người đồng bào dân tộc thiểu số và người có đạo”. Từ đây, các chi bộ trong toàn đảng bộ xã đã triển khai một cách quyết liệt bằng nhiều giải pháp và hình thức khác nhau. Ông Trần Văn Du, Bí thư Chi bộ thôn Giang Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chi bộ phát động một phong trào, phân chia chỉ tiêu cho các đảng viên trong chi bộ để thực hiện nhiệm vụ tạo nguồn. Và đồng thời, phân chia cho các cán bộ, đoàn thể cũng nhận chỉ tiêu này”.

Từ các phong trào, hoạt động thiết thực tại địa phương, các chi bộ lựa chọn những quần chúng ứu tú trong vùng đồng bào có đạo để bồi dưỡng nhận thức, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, góp phần tạo nguồn cán bộ, đảng viên bổ sung cho địa phương. Ông Trần Văn Thục, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác phát triển đảng viên, trong đó, chú trọng công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào có đạo, cũng như phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số. Để về lâu về dài có nguồn thay thế cho những cán bộ trong hệ thống chính trị mà đến nay tuổi cao cũng muốn nghỉ ngơi”.

Theo bà Phúc Bình Niê Kđăm, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, với nhiều nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc, vận dụng linh hoạt các quy định của trung ương trong phát triển đảng, đến nay, Đảng bộ huyện Cư Kuin có 33 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gồm 25 đảng bộ, 08 chi bộ cơ sở, với hơn 4.400 đảng viên. Số đảng viên là người có đạo ngày càng tăng điều này đã góp phần thay đổi cơ cấu đảng viên, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng:

"Số lượng và chất lượng đảng viên là người có đạo từng bước được nâng lên. Trong năm 2016, tổng số đảng viên có đạo toàn huyện là 108 đồng chí. Sau khi triển khai thực hiện đề án cho đến nay, tổng số đảng viên là người có đạo của huyện là 245 đồng chí, chiếm 5,5% tổng số đảng viên của toàn huyện. Huyện cũng đã bố trí sử dụng 13 đồng chí đảng viên là người có đạo làm cán bộ chủ chốt và các trưởng, phó các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã." - Bà Phúc Bình Niê Kđăm cho biết thêm.

Những kết quả trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo đã chứng tỏ được sự phù hợp với thực tế ở huyện Cư Kuin, tạo thêm những cầu nối, gắn bó giữa “đạo” và “đời”. Qua đó sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tôn giáo ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch vẫn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chia rẽ, gây mất đoàn kết dân tộc tại địa phương.

 

Hương Lý/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC