Lễ cưới Et rok của người Ba na rất đơn giản, không thách cưới, không của hồi môn như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên. Đám cưới được tổ chức tuỳ theo điều kiện của 2 gia đình, yêu cầu cần có là ghè rượu, thịt gà, thịt heo. Và lễ cưới được tổ chức một lần tại nhà trai hoặc nhà gái đều được.
Để tổ chức đám cưới Et rok, nhà trai và nhà gái phải chuẩn bị đủ 5 gè rượu cần, tương ứng với 5 cái tên: gè rượu sui gia, gè rượu cô dâu chú rể, gè rượu già làng, gè rượu thanh niên, gè rượu khách mời. Và tùy kinh tế gia đình, có thể làm thịt một, hai con heo để đãi khách và chia phần cho khách mang về. Nếu gia đình khá giả, bà con có thể mổ bò hoặc trâu làm đám cưới. Nếu 2 bên nhà trai nhà gái đều khó khăn, đám cưới vẫn diễn ra, do có cả cộng đồng, họ hàng, mỗi người góp một chút vào tổ chức.
Nghi lễ trong đám cưới của người Ba-na. Ảnh: baomoi.com
Theo bà Pưk, ở làng Plei Don, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum: khi mời tiệc thì chú rể, cô dâu đi trước và tất cả anh em hai bên họ hàng theo sau. Những nam thanh niên thì theo sau chú rể, các cô gái thì đi sau cô dâu. Tiếp nối đoàn cô dâu chú rể là đến đoàn hai bên sui gia. Bố mẹ chú rể, cô dâu đi trước, tất cả họ hàng hai bên cùng đi Et rok. Những người đến dự đám cưới đưa ly rượu, trao quà cho đôi vợ chồng trẻ, cùng tổ chức lễ cưới “Et rok”.
Bà Pưk kể: “ Đám cưới et rok có từ ông bà cha mẹ hồi xưa. Trước đây, đến dự đám đối với họ hàng ba đời thì ít nhất phải có gè rượu cần, con gà, còn họ hàng gần nhất thì phải con heo. Nếu gia đình khổ quá cũng phải một con gà. Nhưng hiện nay đơn giản hơn, một chai rượu trắng, trứng gà luộc, hoặc kẹo là được”.
Đám cưới đơn giản nhưng mang tính cộng đồng rất cao. Vì thế, dù bà con người Ba na ở phường Quang Trung, đã theo đạo Thiên chúa cả trăm năm nay, nhưng đám cưới Et rok vẫn lưu giữ một cách trọn vẹn. Và do người Ba na “không mang họ”, để tránh tình trạng “Iok hơgăm” (lấy vợ, lấy chồng cận huyết thống), đám cưới Et rok là dịp để bà con nhận họ hàng, dù có đi làm ăn sinh sống ở buôn làng khác.
Chị Mari, ở làng Plei Don, bảo: “Anh em ở làng xa có gặp nhau nhiều lần nhưng không biết là anh em với nhau. Khi cùng đến dự đám cưới Et rok thì mới biết. Từ ông bà cha mẹ đã lưu truyền cho đến bây giờ, mình cũng sẽ truyền lại cho con cháu mình sau này, để phong tục đẹp này không bị mai một và để họ hàng gần xa bốn, năm đời vẫn biết nhau, đến thăm hỏi nhau, chia sẻ nhau trong lúc buồn cũng như những ngày vui”.
Là người sưu tầm văn hóa truyền thống và rất am hiểu phong tục tập quán của dân tộc Ba na, ông A Jar, ở làng Plei Don, cho biết, đám cưới Et rok trước đây chỉ có các làng phía Tây thành phố Kon Tum như Plei Don, Plei Tơngia... tổ chức. Nhưng những năm gần đây, một số làng ở phía đông thành phố Kon Tum cũng đã khôi phục lại Et rok.
Ông A Jar phân tích: “Vì sao phong tục này vẫn lưu giữ cho đến ngày nay? Thứ nhất là tính cộng đồng rất là cao; thứ hai không tốn kém của cải vật chất, phù hợp với đời sống còn khó khăn của bà con mình. Từ đám cưới et rok này, bà con họ hàng hai bên thông gia biết nhau, có chuyện to chuyện nhỏ đều cùng nhau gánh vác. Tôi mong muốn tục Et rok này luôn được bà con tổ chức mỗi khi cưới hỏi”.
Đối với “những người không mang họ” như dân tộc Ba na, bà con rất khó biết anh em họ hàng nếu ở làng xa nhau, ít gặp nhau, ít báo tin cho nhau, nhất là đối với thế hệ con cháu (người Ba na không có họ, phân biệt nam nữ bằng cách gắn chữ A vào trước tên con trai, chữ Y vào trước tên con gái). Do vậy, đám cưới Et rok là một trong những kênh thông tin để con cháu biết nhau, nhận quan hệ huyết thống. Đây cũng là hoạt động gắn kết cộng đồng, không chỉ là quan hệ sui gia giữa hai gia đình bên trai, bên gái, mà cả họ hàng hai bên cũng trở thành “Rui ra” (anh em gần). Chính vì vậy mà tục cưới Et rok được bà con Ba na trân trọng, lưu giữ.
AmaZưt/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận