Mô hình mít ruột đỏ giúp người dân miền núi thoát nghèo
Chủ nhật, 14:49, 17/11/2024 Thanh Hiếu/VOV Miền Trung Thanh Hiếu/VOV Miền Trung
VOV4.VOV.VN - Trước biến đổi khí hậu phức tạp, cực đoan, nông dân tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả tích cực. Trên những vùng đất gò đồi khô cằn, nhiều hộ dân tại tỉnh này đã thành công với mô hình mít ruột đỏ giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

 

Trước đây, trên những vùng đất gò đồi khô cằn ở tỉnh Quảng Bình, người dân chỉ trồng cây tràm, keo giá trị kinh tế không cao. Hiện nay, tỉnh này đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ người dân thay đổi một số cây trồng trên vùng đất gò đồi, khô cằn. Nhờ việc thay đổi tư duy canh tác, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Nguyễn Văn Diệm ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình đã có thu nhập cao từ mô hình trồng cây mít ruột đỏ trên vùng gò đồi.

Trước đây, trên diện tích 4 ha gò đồi, gia đình ông Diệm trồng cao su. Tuy nhiên, giá mủ cao su xuống thấp, những vườn cao su dần kém hiệu quả kinh tế. Từ năm 2020, biết đến cây mít ruột đỏ có giá trị kinh tế cao, ông đã học hỏi kinh nghiệm canh tác rồi mua giống về trồng. Đây là giống cây khá mới, trồng trên vùng đất đồi nên việc chăm sóc cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Diệm thực hiện đúng quy trình trồng, không sử dụng các chất kích thích ra hoa, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng các chế phẩm sinh học để phun phòng ngừa sâu bệnh. Bây giờ, ông Nguyễn Văn Diệm đã trồng được 1.700 cây mít ruột đỏ, trĩu quả và được thương lái tìm mua với giá cao.

“Chính quyền địa phương, bà con nhân dân cũng trăn trở tìm giống cây phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, năng suất cao và thích ứng biến đổi khí hậu. Chính vì vậy chủ trương của địa phương chuyển sang trồng cây mít ruột đỏ. Giai đoạn này giá sản phẩm mít ruột đỏ có giá cao”, ông Diệm nói.

Năm 2022, anh Phan Chí Nhật, 30 tuổi, ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa xây dựng mô hình trồng mít ruột đỏ xen kẽ khoai môn. Đây là mô hình được nhiều nông dân ở Quảng Bình thực hiện theo chủ trương chuyển đổi những vùng đất đồi, gò bạc màu trồng cao su, keo tràm sang trồng mít ruột đỏ. Với định hướng của địa phương, anh Nhật đã mạnh dạn phá bỏ cây trồng truyền thống, dành hơn 1 ha đất trồng mít ruột đỏ. Mít ruột đỏ là cây trồng mới nhưng cách trồng không quá khó vì rất hợp thổ nhưỡng trên vùng đất gò đồi. Mô hình trồng mít ruột đỏ xen lẫn khoai môn của anh Nhật được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu.

Anh Phan Chí Nhật mong muốn được hỗ trợ kết nối, tìm kiếm đối tác, hướng đến thực hiện chuỗi liên kết nhằm mở rộng sản xuất và đảm bảo đầu ra cho các loại cây ăn quả khác sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

“Cũng có vay thêm vốn để làm mô hình mít ruột đỏ này để phát triển kinh tế. Mong muốn khi mô hình này thành công thì bà con nhìn vào học tập, noi theo, mình cũng tiên phong làm mô hình này để bà con học tập, từng bước áp dụng và xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế”, anh Nhật nói.

Mít ruột đỏ có nguồn gốc từ Malaysia và Indonesia. Giống cây này du nhập và được trồng ở Việt Nam vài năm gần đây. Trung bình mỗi quả nặng khoảng 7-10 kg, thậm chí có thể lên đến 15 kg. Khi chín, vỏ mít chuyển sang màu hơi vàng sáng kèm với gai mít nở căng, ruột mít màu cam sẫm, múi mít dày, đỏ mọng, ít xơ, vỏ mỏng, ăn dai, thơm mùi dễ chịu. Nông dân hy vọng mít ruột đỏ là giống cây mới có tiềm năng kinh tế cao, có thể làm giàu từ mô hình này. Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình hướng dẫn, hỗ trợ các gia đình chăm sóc thâm canh mít ruột đỏ theo hướng hữu cơ, dán tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR trên sản phẩm. Đây là cách làm để từng bước tạo thương hiệu mít ruột đỏ Quảng Bình và xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương, nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Tỉnh Quảng Bình đang thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, trong đó ưu tiên chuyển đổi đất vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã giao các đơn vị trực thuộc hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình trồng mít ruột đỏ. Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp các địa phương, đơn vị hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu cho các hộ trồng mít ruột đỏ ở các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Giống mít ruột đỏ giúp nông dân cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất vùng gò đồi, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là tiền đề để các địa phương tiếp tục thực hiện việc phát triển hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho biết, giống mít ruột đỏ dễ trồng, kháng bệnh tốt, năng suất, chất lượng tốt, giá bán cao được thị trường ưa chuộng.

“Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các vùng đất trước đây trồng keo tràm, cao su kém hiệu quả và bước đầu cho hiệu quả tốt, ví dụ như mô hình trồng mít ruột đỏ. Sau 2 năm trồng bắt đầu cho thu hoạch với năng suất chất lượng rất tốt. Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư bám sát các mô hình hỗ trợ cho bà con về giống cây trồng đảm bảo chất lượng, vật tư phân bón và cách phòng trừ sâu bệnh”, ông Hải cho biết.

Thanh Hiếu/VOV Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC