Dân bản mất cả gia sản vì tín dụng đen
Thứ năm, 00:00, 28/07/2016

(VOV) - Hàng trăm hộ dân ở vùng quê nghèo Than Uyên, tỉnh Lai Châu, trong đó chủ yếu là người dân trong vùng tái định cư thủy điện, đã đem tiền cho vay với lãi suất cao. Chỉ đến khi chủ nợ bỏ trốn, bà con mới biết mình bị lừa và đến trình báo với cơ quan chức năng. Mất tiền, mang nợ, cuộc sống của bà con vốn đã khó nay lại càng bế tắc.

 

Gia đình anh Vàng Văn Đăm, ở đội 11, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, là một trong những nạn nhân bị mất tiền. Vốn là một hộ nghèo, được Nhà nước đền bù cho trên 700 triệu đồng khi di chuyển khỏi vùng lòng hồ thủy điện, số tiền trên là toàn bộ tài sản của gia đình. Sau khi dùng hơn 300 triệu vào việc mua đất dựng nhà tạm và mua hơn 1.000m2 đất để canh tác, anh đem phần còn lại gửi ngân hàng lấy lãi để chi tiêu và chờ mua thêm ruộng, sửa nhà. Nhưng vì hám lãi suất cao, gia đình anh đã rút toàn bộ số tiền này cho vay. Mất tiền, không còn tiền để mua ruộng, 6 nhân khẩu của gia đình chỉ trông vào hơn một sào ruộng.

 

Anh Vàng Văn Đăm cho biết: “Nhà tôi gửi trước 130 triệu, vừa được 5 tháng. Còn vừa rút ngân hàng gửi vào thêm là 280 triệu, vừa được 1 tháng. Mất 410 triệu. Chuẩn bị tháng 7, tháng 8 này làm nhà, mà bây giờ anh kia bỏ trốn rồi thì không có gì làm nhà nữa. Bây giờ nguồn thu nhập của gia đình không có gì nữa, chỉ mong chờ vào một, hai sào ruộng thôi”.

  

Cả bản nghèo Than Uyên tiêu điều sau vụ tín dụng đen. Ảnh: Khắc Kiên

 

Gia đình anh Đăm chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân ở huyện Than Uyên nhẹ dạ cả tin và hám lợi khi gửi hết tài sản của gia đình cho kẻ lừa đảo. Sau khi kẻ huy động tiền bỏ trốn, cả vùng quê nghèo mất ăn mất ngủ. Nhà nhà hoang mang, lo lắng, bởi toàn bộ gia sản đều không cánh mà bay. Nhà ít thì vài chục triệu, hộ nhiều thì năm, bảy trăm triệu. Số tiền mà bà con mất trong vụ này đều là tiền đền bù tái định cư, hoặc tiền bán trâu, bán bò tích cóp nhiều năm mà có. Không ít gia đình còn đi vay Ngân hàng Chính sách xã hội về cho vay lại hưởng chênh lệch. Thậm chí, có nhiều hộ nghèo còn nhờ cả bố mẹ, anh em đứng tên vay ngân hàng hộ để lấy một khoản tiền lớn đem cho vay lại kiếm lời.

 

Ông Tòng Văn Thêm, ở bản Khì 2, xã Phúc Than, cho biết: “Cả bản này ai có tiền đi gửi nó hết, có người còn đi vay ngân hàng về gửi nó cơ mà. Nhiều lắm, mấy chục tỷ, cũng không biết làm thế nào nữa vì nó chạy trốn rồi. Bà con cũng đi báo cáo xã, báo cáo huyện hết rồi, nhưng mà không biết họ có điều tra được không, sợ không tìm được tiền, lo lắm. Sợ là bà con sẽ mất trắng số tiền này, mà ở nhà thì cũng không có gì, hết sạch tiền rồi. Làm thế nào các cơ quan phát luật điều tra cho nó rõ vụ việc này”.

 

 

Người dân thấp thỏm lo lắng.  Ảnh:Khắc Kiên

 

Thông tin từ cơ quan chức năng địa phương, đối tượng đứng ra vay là Lò Văn Chum, sinh năm 1978, có hộ khẩu thường trú tại Đội 11 xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Với chiêu bài lãi suất cao 3%/tháng và thậm chí còn cao hơn, đối tượng Chum đã đánh vào lòng tham của người dân khi thời gian đầu thanh toán lãi sòng phẳng. Không chỉ trả trước lãi khi bà con mang tiền đến cho vay, đối tượng còn tỏ ra gần gũi, thoải mái trong chi tiêu và rộng rãi đối với những người mang tiền đến cho mình vay.


Ông Lò Văn Phương, trưởng bản Đội 11, xã Phúc Than, cho biết: Để có thêm lòng tin, đối tượng đã rêu rao là làm doanh nghiệp, đang đầu tư vào các công trình nhà nước, có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo và nhiều cơ quan chức năng của huyện. Từ chiêu bài này, đối tượng Chum đã tạo ra “hệ thống niềm tin” trong nhân dân, để rồi lần lượt các nạn nhân sa bẫy: "Ví dụ ngày nào cần tiền làm ăn đến 100-200 triệu, có thể báo trước 1, 2 ngày đến lấy là lấy được luôn. Thế là nhiều người nhẹ dạ cả tin đi vào sâu".

 

Đến nay, đã thống kê trên 350 hộ dân gần như mất trắng gia sản, với số tiền lên đến trên 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng, khi nhiều người vẫn tiếp tục tìm đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trình báo. Ngoài các gia đình trong vùng tái định cư thủy điện Huổi Quảng, Bản Chát, còn rất nhiều hộ dân khác ở hầu hết các xã trong huyện cũng là nạn nhân. Thậm chí, có cả những hộ dân từ một vài xã lân cận của huyện Tân Uyên và huyện Văn Bàn (Lào Cai) cũng trở thành nạn nhân.


Chiêu bài huy động tiền trong dân, trả lãi suất cao không phải là mới mà việc này đã được đối tượng Chum thực hiện công khai và kéo dài tại địa bàn huyện Than Uyên từ năm 2010. Vậy, tại sao chỉ đến khi đối tượng bỏ trốn khỏi nơi cư trú, người dân đến trình báo thì cơ quan chức năng huyện Than Uyên mới biết và vào cuộc? Việc điều tra, truy bắt đối tượng hiện vẫn chưa có câu trả lời từ cơ quan chức năng địa phương.

 

 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC