Tách biệt với nhà ở của gia đình, khu chuồng trại chăn nuôi heo đen của vợ chồng anh chị A Tuấn và Y Chéc, dân tộc Gié- Triêng, thôn Dục Nhầy 3, xã biên giới Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi được xây dựng bài bản. Cùng với khu chuồng nuôi chia ô có lối đi ở giữa tiện cho việc chăm sóc hàng chục con heo thịt và heo nái, gia đình còn quây lưới tạo một khuôn viên ngoài trời rộng hơn 100m2 để heo đi lại.
Anh A Tuấn cho biết, từ hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk Dục và cán bộ Đồn Biên phòng Dục Nông, gia đình đã phát triển được chăn nuôi đồng thời chấm dứt việc thả rông đàn heo.
"Bên phụ nữ hỗ trợ 6 triệu đồng, vợ chồng mua được một cặp heo đen. Tới bây giờ đẻ được 6 lứa để lại cả 6 lứa luôn bây giờ được như thế này đây. Vợ chồng bàn làm cái chuồng trên đây. Mình làm đem lại cho gia đình ổn định về cuộc sống đủ tiền trang trải cuộc sống” -Anh A Tuấn |
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, 3 năm qua huyện Kon Plông tập trung xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với bảo tồn văn hoá để phát triển du lịch. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con Xơ Đăng, Hrê cải tạo hơn 155 héc-ta vườn tạp.
Đến hết tháng 9/2024, hàng trăm hộ dân tộc thiểu số trong huyện đã cải tạo được hơn 50 héc-ta vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả, rau, hoa xứ lạnh. Ông Châu Văn Lâm, Phó Bí thư Đảng uỷ thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết, để thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của bà con có vai trò quan trọng của các đảng viên trong Chi bộ ở thôn làng.
“Chi bộ các thôn tuyên truyền, vận động bà con thực hiện cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, trồng rau, củ, quả xứ lạnh để cải thiện cuộc sống hàng ngày cũng như nâng cao thu nhập của nhân dân. Chi bộ phân công từng đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ. Chúng tôi lấy đảng viên là nòng cốt, đảng viên phụ trách hộ nhóm hộ làm trước, rồi hộ, nhóm hộ làm theo”. - Ông Châu Văn Lâm |
Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có hơn 95% dân số là dân tộc Xơ Đăng. Để thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của bà con trong lao động sản xuất, chính quyền và các đoàn thể của huyện thực hiện phương châm “gần dân, sát hộ” và “cầm tay chỉ việc”. Ông Ka Ba Thành, Bí thư Huyện uỷ, cho biết: thành công rất lớn của huyện là đã thay đổi được tâm lý làm chỉ cần đủ ăn, ngại mượn, sợ vay vốn ngân hàng của bà con, nhất là đối với các hộ nghèo:
“Người dân đã mạnh dạn phát triển sản xuất. Dư nợ từ năm 2021 đến năm 2023 là hơn 280 tỷ. Trung bình một năm có khoảng 80 tỷ trong số tiền vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ chính sách. Qua đó thấy rằng đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của bà con từ thụ động, trông chờ, nay đã mạnh dạn, chủ động vay vốn để mở rộng sản xuất trong đó có trồng sâm, trồng dược liệu, chăn nuôi”- ông Ka Ba Thành, Bí thư Huyện uỷ cho biết thêm.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum đã xây dựng, phát triển 866 mô hình hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế, cải tạo vườn tạp thu hút gần 10.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số tham gia. Các mô hình đã huy động được hơn 96 tỷ đồng hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật giúp hơn 5.500 hộ nghèo dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, số hộ dân tộc thiểu số bỏ dần những hủ tục lạc hậu, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng lên; số hộ tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra…Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tinh Kon Tum, cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng mà cuộc vận động đang hướng tới là thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của hơn 9.700 hộ nghèo dân tộc thiểu số còn lại để vươn lên thoát nghèo.
“Nội dung thay đổi nếp nghĩ cách làm rất đa dạng nhưng mà trong đó tập trung cho sản xuất. Sản xuất tốt doanh thu có, nguồn thu cao thì sẽ thoát nghèo. Xã nhân rộng, huyện nhân rộng, tỉnh nhân rộng mô hình và cuối cùng đạt được kết quả của cuộc vận động là đã làm thay đổi nếp nghĩ và đã làm thay đổi cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số để bà con mình vươn lên thoát nghèo thật sự bền vững”. - Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum |
Cùng với các chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” do tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện đang góp phần tạo chuyển biến tích cực trong lao động sản xuất và cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Để cuộc vận động tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất tỉnh Kon Tum gắn cuộc vận động với việc thực hiện các chương trình, nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nhất là những nội dung liên quan đến công tác giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Viết bình luận