Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục bùng phát tại Lai Châu
Thứ sáu, 16:57, 22/09/2023 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Sau thời gian dài chìm lắng, thời gian gần đây, dịch tả lợn Châu phi lại bắt đầu bùng phát ở nhiều bản làng ở tỉnh biên giới Lai Châu. Hiện các cấp chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng dịch tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi và phòng, chống không để dịch lây lan.

 

Sau khi mấy con lợn của gia đình bị chết, gia đình ông Lò Văn Sòi ở bản Coóc Cuông, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường (Lai Châu) phải thường xuyên dọn vệ sinh, rắc vôi bột để khử trùng chuồng trại.

Ông Sòi cho biết, đầu tháng 9 này, lợn của gia đình ông bị ốm và chết không rõ nguyên nhân. Sau khi lợn chết, cơ quan chức năng xuống lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu phi.

"Vào ngày 1/9 vừa qua lợn tự nhiên nó chết, gia đình báo với chính quyền xã. Xã đã cử người xuống mổ xem và sau này mới phát hiện ra là chết do dịch. Gia đình đang làm phòng bệnh theo hướng dẫn để sau này hết dịch tái đàn nuôi lại." - Ông Lò Văn Sòi cho biết thêm.

Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu phi tại bản Coóc Cuông, với 10 con lợn bị chết, UBND huyện Tam Đường đã công bố dịch trên địa bàn xã Nà Tăm từ ngày 7/9. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo xã cùng cơ quan chuyên môn triển khai ngay các biện pháp cấp bách “bao vây” vùng dịch để khống chế, dập dịch, không để lây lan ra các vùng lân cận.

"Cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các trưởng bản và đồng thời thành lập ban chỉ đạo 8 tổ, chuyên rà soát kiểm dịch, tuyên truyền cho nhân dân không được mua bán, vận chuyển lợn ra khỏi địa bàn. Đồng thời cũng tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức là sau khi có lợn chết phải thông báo cho trưởng bản, để tổng hợp báo cáo UBND xã để kiểm soát dịch, tránh lây lan ra địa bàn khác." - Ông Lò Văn Thum, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tăm, huyện Tam Đường cho biết.

Tại xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, dịch tả lợn Châu phi cũng đã xuất hiện trở lại trong những ngày gần đây. Ban đầu, dịch xuất hiện tại bản Gia Khâu I, sau đó lây lan sang các bản khác. Tổng hợp từ đầu năm đến nay, địa bàn đã có 90 con lợn bị chết do dịch tả lợn Châu Phi.

Theo ông Mai Hoàng Nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu: Nguyên nhân tái nhiễm bệnh ở các bản thuộc xã Sùng Phài là do mầm bệnh đã tồn tại ngoài môi trường từ các ổ dịch cũ.

"Một số hộ dân sau khi lợn chết có tâm lý sót của và cũng lo lắng để bán lợn. Chúng tôi đang phối hợp để tuyên truyền “5 không” là không dấu dịch, không vận chuyển mua bán lợn chết, không sơ chế lợn ốm lợn chết... Cùng với đó là tuyên truyền cho các hộ dân về sự nguy hiểm của dịch tả lợn Châu phi để bà con biết để phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khống chế dịch trên diện hẹp." - Ông Mai Hoàng Nghị nói.

Thống kê từ cơ quan chuyên môn, tính từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu phi đã xảy ra tại 125 hộ, hợp tác xã, ở 18 bản, thuộc 8 xã, thị trấn trên địa bàn các huyện: Nậm Nhùn, Tam Đường, Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu, với gần 1.000 con lợn bị chết. Các ổ dịch xảy ra tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường và thành phố Lai Châu đến nay chưa qua 21 ngày, nên nguy cơ bùng phát trên diện rộng là rất cao.

Bà Lê Thị Hương Nhàn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Nhằm khống chế sự lây lan của dịch, đơn vị đang phối hợp với chính quyền cơ sở điều tra dịch tễ, giám sát tình hình dịch bệnh tại các ổ dịch và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

"Chúng tôi đang tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật và thực hiện tốt các biện pháp tiêu độc khử trùng. Đồng thời, chúng tôi khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, cũng như là tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi." - Bà Lê Thị Hương Nhàn cho biết thêm./.

 

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC