Điện Biên: 5 người kết hôn, thì 2 là tảo hôn
Thứ sáu, 00:00, 26/08/2016

(VOV) - Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại với tỷ lệ cao ở tỉnh Điện Biên. Kết quả điều tra tại một số xã thuộc các huyện Điện Biên Đông, Mường Chà, Tủa Chùa và Tuần Giáo cho thấy tỷ lệ tảo hôn trung bình là 39,6%.

 

Nhiều vùng có tỷ lệ rất cao như xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) 64%, xã Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông) 52%, xã Tả Phình (huyện Tủa Chùa) 53%...  Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống trung bình 11,5%; các xã có tỷ lệ cao là Sa Lông (huyện Điện Biên Đông) 24%. xã Ta Ma (huyện Tuần Giáo) gần 18%...

Tảo hôn là một vấn đề chưa bao giờ hết "nóng" ở vùng cao. Ảnh:baomoi.com

 

Theo bà Vũ Thị Thùy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Điện Biên, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do dân chưa biết hậu quả lâu dài của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng đến giống nòi như thế nào; nhiều vùng vẫn tồn tại hủ tục lạc hậu, như dân tộc Mông, chỉ cần anh chị em không cùng họ là kết hôn được với nhau; một số dân tộc thì lại  phải cùng dòng họ, hoặc cùng dân tộc mới được lấy nhau... Ngoài ra, còn do công tác tuyên truyền, vận động chưa được triển khai thật sự tích cực, hiệu quả.

 

Bà Thùy cho biết: “Để hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Điện Biên thì phải tăng cường sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt pháp lệnh Dân số, các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Qua đó, để cộng đồng thấy được hậu quả ảnh hưởng đến giống nòi của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Về phía ngành, chúng tôi cũng có tham mưu và xây dựng kế hoạch xin hỗ trợ kinh phí từ các nguồn, từ tất cả các tổ chức quốc tế để triển khai công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn”.

 

 

Thu Thùy/VOV-Tây Bắc 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC