Diện mạo nông thôn mới ở vùng núi Bình Định
Thứ tư, 08:43, 07/08/2024 Thanh Thắng/VOV Miền Trung Thanh Thắng/VOV Miền Trung
VOV4.VOV.VN: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các huyện miền núi ở tỉnh Bình Định đã từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo nên diện mạo mới ở vùng miền núi. Chung sức với chính quyền địa phương, người dân miền núi Bình Định tự nguyện hiến đất làm đường, trồng hoa, cây xanh và dọn dẹp đường sá để có một không gian xanh - sạch - đẹp vùng nông thôn.

 Gia đình chị Đinh Thị Cứ (33 tuổi), người đồng bào Hrê, trú thôn 2, xã An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định là một trong những hộ dân thuộc diện di dời để xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít. Năm 2020, gia đình chị Cứ nhường đất và về khu tái định cư mới ở xã An Dũng cách làng cũ hơn 2km. Ban đầu, khi chuyển về ở trong khu tái định cư hồ Đồng Mít, gia đình chị Cứ lo lắng, bởi nơi mới chuyển về còn hoang sơ, chưa được đầu tư về hạ tầng. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các cấp tỉnh Bình Định đã từng bước xây dựng bài bản hạ tầng ở khu tái định cư xã An Dũng, người dân được thụ hưởng. Từ sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương, hiện nay căn nhà của chị Cừ đã được xây dựng kiên cố. Khi về làng mới, Nhà nước đã cấp cho gia đình chị 2 sào ruộng để sản xuất lúa nước. Hiện nay, ngoài sản xuất lúa nước chị Cứ còn tham gia mô hình canh tác dây thìa canh để nâng cao thu nhập.

Chị Đinh Thị Cứ cho biết: “Tôi làm được 2 sào lúa, đây là mùa thứ 2 tôi thu hoạch lúa nước rồi. Vụ này tôi thu hoạch được 12 bao và năng suất cũng đảm bảo. Xuống đây được hướng dẫn trồng lúa nước sướng hơn ở làng cũ, chỗ ở thì đẹp hơn. Ở làng mới có đường lớn, khi đau ốm hoặc đi bệnh viện thì gần hơn”.

An Dũng là xã mới tái định cư do xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít. Cơ sở hạ tầng xã An Dũng được dự án hồ chứa nước Đồng Mít đầu tư bài bản, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xã An Dũng đã lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào xây dựng nông mới tại địa phương đã mang lại những kết quả thiết thực. Hiện nay, tại 4 thôn của xã An Dũng được quy hoạch rất bài bản. Ở mỗi thôn đều có khu vực thể thao, khu chăn nuôi gia súc cách xa khu dân cư.

Bà Đinh Thị Hiu, Phó Trưởng thôn 3, xã An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi vận động chị em cũng như bà con trong thôn phải tiếp tục trồng cây xanh và hoa. Mỗi gia đình có bồn hoa và xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Mỗi gia đình phải có ít nhất một đến hai cây ăn quả trước nhà. Theo lịch hàng tháng phải quét dọn, vận động bà con nhân dân dọn đường làng từ một đến hai lần”.

Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã An Dũng đã đạt 9/19 tiêu chí như: Giao thông, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, giáo dục và đào tạo, văn hóa, quốc phòng an ninh. Các tiêu chí còn lại đang được tập trung thực hiện và cô gắng về đích nông thôn mới vào năm 2025.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân. Từ chỗ số đông người dân còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước đã chuyển dần sang việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Theo ông Đạo, bây giờ hệ thống hạ tầng triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng núi.

Ông Đinh Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã An Dũng, huyện An Lão cho biết: “Trong thời gian qua, địa phương đã xây dựng các kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng ngành liên quan, từng cán bộ, công chức để phấn đấu đạt các tiêu chí xây dựng nông mới. Căn cứ nguồn vốn của cấp trên phân bổ, xã nghiên cứu triển khai các loại cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương và phù hợp với tập quán sản xuất của bà con. Từ khi xuống khu tái định cư thì bà con ổn định cuộc sống và đầu tư xây dựng nhà cửa đảm bảo. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư thì bộ mặt vùng nông thôn rất khác”.

An Lão là huyện miền núi nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, tổng diện tích tự nhiên hơn 69.680 héc ta. Nơi đây, địa hình tương đối phức tạp, đồi núi chiếm hơn 90% diện tích tự nhiên. Toàn huyện có 1 thị trấn và 9 xã, gần 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập chính của hộ gia đình chủ yếu dựa vào nông nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đang phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy An Lão và các cấp ủy địa phương xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Đến nay, đã có 2 xã An Hòa và An Tân đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã An Hòa đã được công nhận đô thị loại V và đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục thành lập thị trấn An Hòa.

Ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Bí thư Huyện ủy An Lão, tỉnh Bình Định cho biết: “Để bà con thấy được quyền lợi của mình và tích cực xây dựng nông thôn mới thì phải chăm lo được quyền lợi trực tiếp của bà con. Bà con phải có được tư liệu sản xuất và phát triển. Chúng tôi đang tập trung giao đất lâm nghiệp để bà con trồng rừng sản xuất, nâng cao thu nhập. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chủ yếu hạ tầng giao thông, nước sạch và các dịch vụ về văn hóa thông tin, trường học để bà con thấy được lợi ích, được chăm lo về dịch vụ y tế và hưởng thụ trong sự phát triển của địa phương để bà con đồng lòng với địa phương, tập trung xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới”.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tiếp tục là nền tảng căn bản làm thay đổi diện mạo nông thôn và vùng núi tỉnh Bình Định. Việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp và xây mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng... đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trên hành trình xây dựng nông thôn mới./.

Thanh Thắng/VOV Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC