Đoàn kết bảo vệ biên cương nơi địa đầu Tổ quốc
Thứ sáu, 10:57, 18/11/2022 Trường Giang/VOV Đông Bắc Trường Giang/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Ở nơi địa đầu đất nước - thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), không kể dân tộc, tôn giáo, người dân luôn cùng nhau gắn kết, gìn giữ, bảo vệ, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, phát triển.

Ở mũi Sa Vĩ – nơi đặt nét bút đầu tiên viết nên hình chữ S Việt Nam nhìn ra cửa biển, phía bên kia bờ là một doi cát trắng phau. Đó là thôn Vạn Vĩ, người anh em kết nghĩa qua biên giới Việt – Trung. Năm 2014, từ chủ trương tăng cường đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, khu Tràng Vĩ là 1 trong những cặp thôn - bản của Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết nghĩa, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị, giúp nhau phát triển kinh tế, cứu nạn trên biển, giữ gìn an ninh, phòng chống tội phạm… 

Với nét văn hoá tương đồng, cùng là người dân tộc Kinh, cùng mặc áo dài, cùng lễ hội đình làng tháng 6, hàng năm, nhân dân hai bên thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giao lưu văn hóa. Gần 3 năm Covid-19 vừa qua, những cuộc điện thoại vẫn luôn duy trì, vừa trao đổi tình hình sản xuất, vừa nhắc nhau không để ai vi phạm luật pháp hai nước.

Ông Đỗ Tiến Xuân, Bí thư chi bộ - Trưởng khu Tràng Vĩ (phường Trà Cổ, TP Móng Cái) kể: ngoài việc khai thác đánh bắt chung thì  2 bên còn chung sống với nhau để giữ gìn vành đai biên giới. Tháng 3 là tháng kết nghĩa thì đầu tháng Tràng Vĩ, cuối tháng Vạn Vĩ, đưa một số hộ dân đại diện sang gặp nhau. Trong bài phát biểu thì ngoài thương yêu, đùm bọc nhau thì phải bảo vệ biên giới và chủ quyền, khi xảy ra sự cố trên biển thì cứu nạn cứu hộ đặt lên hàng đầu. Từ đó nhân dân hai bên có một mối đoàn kết lâu bền, truyền thống từ đó. 

“Tự nguyện, Đoàn kết” chính là phương châm của người dân ở nơi mũi đất này. Trong số hàng trăm ngư dân lên thuyền ra khơi mỗi ngày có những ngư dân đặc biệt. Họ là thành viên của Tổ tự quản đường biên mốc giới, có thêm nhiệm vụ làm “tai mắt”, phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc, từ xâm phạm chủ quyền tới buôn lậu, vận chuyển người trái phép… 

Giáo xứ Trà Cổ có 365 hộ với hơn 1.600 giáo dân, chiếm 1/4 dân số toàn phường, phối hợp công an xây dựng mô hình tự quản không vi phạm pháp luật, cùng biên phòng bảo vệ đường biên cột mốc, ngư trường bến bãi. Ngoài tuyên truyền trong buổi họp dân khu phố, Ban Hành giáo cũng có cách riêng để phổ biến pháp luật, giúp bà con giáo dân hiểu rõ các văn kiện pháp lý về biên giới như Nghị định 34 của Chính phủ về Quy chế khu vực Biên giới đất liền, Hiệp định hợp tác Nghề cá ở vịnh Bắc bộ…

Ông Vũ Đình Phúc, Trưởng Ban Hành giáo Giáo xứ Trà Cổ đầy tự hào khi nhắc đến truyền thống đoàn kết và những đóng góp của người quê mình cho phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mình sống ở biên giới, bà con có tai nghe, có mắt nhìn thấy, từ đó cùng bộ đội biên phòng ký cam kết đưa quy chế bảo vệ an ninh biên giới, cùng nhau bảo vệ an ninh tổ quốc. Khi chúng tôi họp giáo dân, họp khu phố bà con lương - giáo rất đoàn kết. Cho nên bà con khi khai thác hải sản ở cửa sông Bắc Luân này rất nghiêm túc chấp hành.

Mỗi năm, hàng chục vụ tàu cá nước ngoài xâm nhập khai thác hải sản trái phép, tàu tuần tra vi phạm chủ quyền, rồi các vụ việc buôn bán ma tuý, buôn lậu qua cửa sông biên giới được người dân báo về cho lực lượng chức năng, giúp đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, giúp Khu du lịch quốc gia Trà Cổ luôn bình yên chào đón du khách.

Dưới sự hướng dẫn của các đoàn thể, trưởng thôn bản, người có uy tín, đồng bào các dân tộc biên giới Móng Cái còn tích cực tham gia vào các mô hình Tổ tuần tra quản lý bảo vệ cột mốc; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Tổ liên gia tự quản phòng chống dịch; Tố giác xuất nhập cảnh trái phép…

Ông Đỗ Viết Mạnh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Móng Cái khẳng định: Người dân các xã, phường có đường biên giới đóng vai trò hết sức quan trọng, tích cực cùng cấp ủy chính quyền và các lực lượng đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn tình hữu nghị, góp phần cho công tác đối ngoại của thành phố. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung nắm bắt tư tưởng tâm tư tình cảm của nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để giúp đồng bào có cuộc sống thay đổi và kinh tế xã hội ngày càng phát triển.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có trên 360 tổ tự quản đường biên cột mốc, tổ an ninh trật tự thôn bản, tổ tàu thuyền an toàn – đoàn kết… với sự tham gia của gần 4.000 thành viên đủ mọi dân tộc; 7 cặp thôn - bản, xã - trấn kết nghĩa giữa Việt Nam với Trung Quốc, góp phần giúp an ninh quốc phòng nơi biên giới trên bộ dài gần 119 km, trên biển dài 191 km ngày càng ổn định. “Đoàn kết tạo nên sức mạnh”, những vùng đất nơi biên cương giờ đây đang đón những cơ hội phát triển mới, bắt đầu từ chính những nền tảng vững chắc này./.

Trường Giang/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC