VOV4.VN - Phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân tỉnh Trà Vinh. Trong đồng bào Khmer, ngày càng có nhiều nhà sư và chức sắc, chức việc tôn giáo tích cực hưởng ứng cuộc vận động và trở thành tâm điểm của các phong trào ở địa phương.
Thành viên Ban quản trị chùa Chông Nô, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Thạch Em đã tìm đến Viện nghiên cứu Cây có dầu thành phố Hồ Chí Minh và Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Trà Vinh để học cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho chanh không hạt đúng kỹ thuật. Sau 3 năm triển khai, mô hình bắt đầu cho thu hoạch gần 100 triệu đồng/công, lời hơn 60 triệu đồng/công.
Lợi thế là người đi trước, chanh của ông có giá cao, nhưng ông vẫn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ cây để các hộ khác làm theo. Bởi ông nghĩ, khi sản xuất có hiệu quả sẽ giúp bà con nâng cao thu nhập, đời sống tốt hơn.
Ông Thạch Em ở vườn chanh không hạt
Cũng là chức việc tôn giáo, ông Thạch Nụm, ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, cho biết, chưa bao giờ công tác vận động bà con phật tử thuận lợi như gần đây. Bác Hồ dạy mọi người cố gắng làm việc tốt, yêu thương và giúp đỡ con người, việc gì có lợi cho dân hết sức làm, việc gì có hại cho dân hết sức tránh. Ông Nụm luôn tiên phong gương mẫu trong mọi hoạt động và sống vì cộng đồng. 4 năm qua, ông đã vận động bà con Khmer đóng góp trên 300 triệu đồng, hàng ngàn ngày công xây mới 23 cây cầu và hiến đất làm đường nông thôn dài 14km.
Sư cả Thạch Thưa, một trong những người đi đầu trong các phong trào ở địa phương
Thượng tọa Thạch Thảo, trụ trì chùa Cành Đa, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, cho rằng: “Tấm gương đạo đức của Bác không có gì mâu thuẫn với triết lý nhà Phật cả, đều giáo dục cho chúng ta trở thành người tốt, và khi đã trở thành người tốt, người có ích cho xã hội thì cũng có ích cho gia đình, cho bản thân. Nhưng để cho bà con học tập, thấm nhuần về tư tưởng của Bác, tại các buổi giảng, sư phải nêu những bài học cụ thể, những việc làm cụ thể để bà con có thể mang đi áp dụng trong đời sống thực tế của mình”.
Trước đây, ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, là điểm nóng về tình hình an ninh trật tự, xã hội. Để góp phần làm giảm tệ nạn này, Thượng tọa Thạch Thưa, trụ trì chùa Arunransây Chắc-a-krôn - Đại Trường đã có sáng kiến thành lập Câu lạc bộ phòng chống tội phạm do ông làm chủ nhiệm, với 7 thành viên là những người trong Ban quản trị chùa, là những người có uy tín ở địa phương. Mục tiêu của câu lạc bộ là tiếp cận, quản lý, giáo dục cảm hóa các đối tượng thường gây rối, có tiền án, tiền sự từ bỏ thói hư tật xấu.
Hơn 6 năm qua, ông và các thành viên trong câu lạc bộ đã cảm hóa được 42 đối tượng.
Đối với đồng bào Khmer, tấm gương, đạo đức của Bác đã giúp kết nối giữa lương và giáo, giữa người dân và chính quyền; mang lại niềm vui và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng.
Sa Oanh/VOV-ĐBSCL
Viết bình luận