(VOV) - Ủy ban Dân tộc hôm nay công bố kết quả điều tra cho thấy gần 1/3 số người dân tộc thiểu số ở nước ta tảo hôn.
Tỷ lệ tảo hôn ở Việt Nam mặc dù đã giảm nhưng vẫn diễn ra phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra năm 2015 cho thấy tỷ lệ tảo hôn trong dân tộc thiểu số là 26,6%, cao nhất là các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn như dân tộc Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia rai, Raglai, Bru-Vân Kiều. Có tới 40 trong số 53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 đến 60%.
Theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc, cần truyền thông tới đồng bào dân tộc thiểu số bằng chính ngôn ngữ của họ vì có dân tộc thiểu số không có ai đi học:
“Rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không những mù chữ mà còn “mù” cả tiếng. Riêng ở Hà Giang có 28.000 phụ nữ ( trong đó có trẻ em gái) bị mù chữ và trong đó có 18000 phụ nữ “mù” cả tiếng. Nếu truyền thông bằng tiếng phổ thông thì sẽ không hiệu quả. Đã đến lúc cần xem xét lại truyền thông. Phải truyền thông bằng tiếng dân tộc để đồng bào hiểu được tảo hôn là vi phạm pháp luật. Truyền thông cần đi tới trái tim của đồng bào”.
Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Quỹ dân số Liên hợp quốc phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia về tảo hôn ở Việt Nam
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc, cho rằng để giải quyết vấn đề tảo hôn trong dân tộc thiểu số, cần ưu tiên thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử nam nữ:
“Vấn đề tảo hôn sẽ không được giải quyết nếu chúng ta không trao quyền cho thanh niên, đặc biệt là các trẻ em gái. Cần phải cải thiện sự tiếp cận với thông tin, trao cho các em cơ hội để được đi học, được cung cấp kiến thức về kỹ năng sống, sức khỏe tình dục và sinh sản; cho các em có không gian sống an toàn, cải thiện sinh kế và an sinh xã hội.
Cần đảm bảo các em gái ngay cả khi đã kết hôn thì vẫn có nhiều lựa chọn và cơ hội tốt cho tương lai. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy, thái độ của cha mẹ và cộng đồng, tìm ra những giải pháp dựa vào cộng đồng để ngăn chặn nạn tảo hôn”.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: thực trạng tảo hôn đã tác động nghiêm trọng đến cơ hội học tập, việc làm ổn đinh của trẻ em gái, đồng thời dẫn đến hệ quả trẻ em gái mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần, có thể dẫn đến bạo lực gia đình. Trên thực tế, tảo hôn đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển kinh tế- xã hội, tạo thành vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu, làm suy giảm chất lượng dân số cũng như nguồn nhân lực.
Nhận rõ nguyên nhân của nạn tảo hôn là do phong tục tập quán, hạn chế về nhận thức và hiểu biết, thiếu sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, công tác tuyên truyền kém, khó khăn về điều kiện tự nhiên, nghèo đói và mặt trái của cơ chế thị trường, Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đầy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.
Văn Hải/VOV-Trung tâm Tin
Viết bình luận