(VOV) - Thời gian qua, một bộ phận bà con dân tộc thiểu số ở xã Đạ Long đã lấn chiếm đất rừng, xâm canh trái phép vào sâu trong Vườn quốc gia Biduop - Núi Bà. Công an huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, đã phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con quay về buôn làng, ổn định sản xuất.
Đã từng di cư tự do vào rừng lập lán trại, xâm canh đất rừng, phá rừng để lấy đất sản xuất, giờ đây, ông Liêng Hót Ha Sưng, ở xã Đạ Tông, ý thức hơn về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống. Nay, ông và nhiều người dân ở đây tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và xem đây là nguồn thu nhập tăng thêm để ổn định cuộc sống.
Ông Liêng Hót Ha Sưng bảo: “Nếu ai đó lỡ đi đốt một mảnh rừng, gây ra cháy rừng thì pháp luật phải xử lý người đó. Mình thường xuyên vận động và tuyên truyền với bà con như vậy. Để bà con phải giữ rừng, mà giữ rừng thì mới có nước để dùng, khí hậu và thời tiết mới ổn. Nói chung, cả con vật, cả thiên nhiên, rừng núi thì giờ mình phải bảo vệ chúng”.
Bà Liêng Hót Ka Rưng, ở xã Đạ Long, cho biết sau khi quay về lại buôn làng, nhờ chính quyền địa phương trợ giá, trợ cước giống cây trồng và vật nuôi, tập huấn kỹ thuật canh tác nên gia đình đã từng bước ổn định cuộc sống.
Rừng Bidoup - Núi Bà. Ảnh: dantri.com
Theo Công an
huyện Đam Rông, chỉ tính riêng xã Đạ Long đã có ít nhất 100 hộ dân rời
làng, di cư đến các tiểu khu 26 và 27 thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi
Bà, huyện Lạc Dương, lập lán trại, phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái
phép để làm nơi ở mới và sản xuất.
Ông Ha Neh, Trưởng Công an xã Đạ Long, huyện Đam Rông, cho biết: “Mình dựa vào nhân sĩ trí thức, hai là gia đình, dòng họ của những người đó để tuyên truyền, vận động. Kết quả, nhiều hộ quay về buôn làng rồi. Nnhững hộ này viết cam kết không tái diễn việc xâm phạm rừng nữa”.
Theo mục sư Ha Bông, ở xã Đạ Long, huyện Đam Rông, kết quả này không chỉ góp phần ổn định cuộc sống cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, mà còn đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.
“Lâu nay nhà nước đã đầu tư rất nhiều ổn định cuộc sống của bà con mình rồi, giờ lại muốn bỏ đi tìm nơi ở khác nữa là không nên. Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ rất nhiều, đầu tư các cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm đầy đủ trong thời gian qua. Trong khi đó, bà con lại có tư tưởng rồi tự ý đi về làng cũ, trong đó chỉ có rừng, không có gì cả thì làm sao mà sống ổn định được. Mình phân tích và nói với họ như thế là tự làm khổ” - mục sư Ha Bông nói.
Theo Công an huyện Đam Rông, nhờ có sự phối hợp tuyên truyền tích cực của các già làng, trưởng bản và những người có uy tín, phần lớn bà con đã quay về.
Đam Rông là một trong những huyện nghèo của nước, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%.
Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận