Già làng tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số giữ đất, làm giàu
Thứ tư, 15:58, 04/12/2024 Thái Bình/VOV Miền Trung Thái Bình/VOV Miền Trung
VOV4 - Những già làng, người có uy tín tại miền núi tỉnh Khánh Hòa luôn gương mẫu, đi đầu và có tiếng nói quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, các già làng, người có uy tín tại miền núi tỉnh Khánh Hòa tích cực tuyên truyền, vận động người dân địa phương không bán đất; Giữ đất để canh tác, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách thành phố Nha Trang hơn 30km. Trên địa bàn huyện này có Quốc lộ 27C, cao tốc Bắc - Nam đi qua, hạ tầng giao thông dần được hoàn thiện. Đến nay, nhiều người từ nơi khác đã đến Khánh Vĩnh mua đất lập vườn, làm nhà. Trong thời gian ngắn, giá đất tại miền núi tăng nhanh. 

Vì vậy, việc vận động bà con trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số giữ đất, không bán trở thành vấn đề nóng tại các thôn, xóm. Đây cũng là việc làm thường xuyên của các già làng, người có uy tín.

Già làng Cao Dáng, ở thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Nếu mình không giữ đất, cuộc sống của mình ở trên núi này sẽ làm gì, từ đất sẽ làm ra của cải, phục vụ cho cuộc sống, không có đất làm sao mà sống. Mình cứ nói với bà con, bà con bán được nhiều tiền cũng không ở với mình, mình cứ nói như thế thôi. 100 triệu bỏ vào túi mình nó đâu có ở với mình, một thời gian nó đi qua túi người khác liền”.

Giữ đất, giữ làng là truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa. Không chỉ tuyên truyền, vận động, các già làng, người có uy tín ở huyện Khánh Vĩnh còn chủ động nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình, ngăn chặn kịp thời các giao dịch đất đai.

Bà Trần Thị Việt, 69 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh cho biết, trong làng, ai khó khăn thì bà giúp đỡ họ vượt khó để bà con khỏi bán đất. Nhiều trường hợp bán đất đã được bà kịp thời ngăn chặn, sau đó, hướng dẫn bà con canh tác để thoát nghèo.

Bà Việt nói: “Những gia đình gần đây là không bao giờ bán đất, tôi nói, bây giờ đừng bán đất, bán đất rồi khổ cực. Đừng trông chờ, dựa vào nhà nước, người ta chỉ cho 1 bữa, 1 tháng, không nuôi cả đời được. Cho nên không bán đất, đất để làm. Thấy mấy hộ bán đất, đã nhận tiền, tôi đến ngăn chặn ngay, không bán, người mua đất lấy lại tiền nên đất vẫn còn đó”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu trong năm 2024, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Để thực hiện mục tiêu, huyện Khánh Vĩnh đã bố trí hơn 39,3 tỷ đồng để xây dựng gần 500 căn nhà cho các hộ dân tộc thiểu số hoàn cảnh khó khăn.

Có đất để làm nhà, bà con được an cư chính là thành quả sau nhiều năm vận động đồng bào giữ đất. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các già làng, người có uy tín. Ông Mấu Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, hơn 90% đồng bào miền núi có cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tài sản lớn nhất của nông dân là đất, nhà nào nhiều đất, chăm chỉ làm việc thì chẳng bao giờ lo đói ăn.

“Già làng, người có uy tín gắn bó với buôn làng, họ hiểu được ngôn ngữ, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc thiểu số. Vì vậy, họ nói với bà con có tính thuyết phục, có niềm tin hơn. Việc giữ gìn đất là giữ gìn tư liệu sản xuất, đây là vấn đề các già làng nhận thức rất rõ nếu không cuộc sống sẽ khó khăn. Các già làng tuyên truyền tác dụng việc có đất, giữ đất lại bà con, đừng vì những lợi ích trước mắt, bán đất của mình, sau này sẽ rất khổ cho con cháu” - Ông Mấu Văn Phi nói thêm.

Trong những năm qua, miền núi tỉnh Khánh Hòa đã chuyển hướng canh tác nông nghiệp sang các loài cây có giá trị kinh tế cao. Tại khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa, xuất hiện nhiều mô hình trồng sầu riêng doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ 1 hecta. Có đất sản xuất, biết cách canh tác cùng sự trợ giúp của nhà nước đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng của tỉnh Khánh Hòa khi hết năm 2024, cả 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã cơ bản thoát nghèo.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Các địa phương đã và đang chuyển dịch đúng định hướng, các đồng chí đã tuyên truyền, vận động thực chất, một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã đi đầu trong chuyển đổi cây trồng sang các loại cây có hiệu quả cao, rất cao. Hiện nay, tính hiệu quả trong nông nghiệp chưa có cây nào qua cây sầu riêng. Mục tiêu là gia tăng giá trị trên diện tích đất, thoát nghèo bền vững”.

Thái Bình/VOV Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC