(VOV4) - Lên vùng cao nguyên đá Đồng Văn- Hà Giang, câu chuyện hôn nhân cận huyết thống là chuyện “thường ngày ở bản”. Điều đáng nói là, có người trong gia đình đã nhận ra hậu quả của kết hôn cận huyết rồi nhưng vẫn chưa biết cách nào để ngăn chặn, như vợ chồng Sồng A Cửa.
Ngôi nhà nhỏ của Sồng A Của và Giàng Thị Chúa, ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, nằm biệt lập trên một ngọn đồi, phải cuốc bộ cả ngày đường mới tới nơi. Chiều nhọ mặt người, Của ngồi bên đống lửa chờ vợ đi làm nương về. Bỏ gùi xuống sân, Chúa lộ rõ vẻ mệt mỏi, kể câu chuyện đời mình.
Lấy nhau từ khi Của 16 tuổi, Chúa 14 tuổi, hai người có với nhau ba mặt con thì một đứa không may đã chết. Hai đứa còn lại còi cọc, nheo nhóc, so với chúng bạn thì thua cả về chiều cao và cân nặng. Của về làm rể nhà Chúa nhưng không có việc làm, ỷ lại sức vợ xông xáo tháo vát, nên cứ loanh quanh làm việc vặt, còn Chúa thay cả sức đàn ông trong gia đình.
Mẹ Chúa, bà Và Thị De thương con gái nhưng đành chấp nhận vì Của cũng là con cháu trong nhà cả: “Ngày xưa anh em nó lấy nhau, tôi đã không đồng ý. Nhưng các ông trong nhà cứ bảo là lấy trong họ để giữ của nả cho dễ, không cho người ngoài vào nhà mình. Bây giờ thằng Của ở nhà chẳng chịu làm ăn, bảo mãi nó không nghe, nó còn bảo tôi là cô nó mà sao suốt ngày mắng mỏ nó…”.
Mới đôi mươi nhưng cô gái người Mông ở Hà Giang này đã có tới 2 con. Ảnh minh họa: dantri.com
Sồng A Của và Giàng Thị Chúa là anh em con cô con cậu. Bố Của là anh trai mẹ Chúa. Người già không biết đã đành, nhưng Của và Chúa đều học gần hết cấp hai, cũng không biết tác hại của việc lấy nhau cùng dòng tộc. Hỏi, thì Của giải thích hồn nhiên: "Chơi với nhau từ bé, lớn lên thì ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, không thích ai được nữa, lấy về cho quen nhà quen cửa!".
Nhà bà Và Thị De còn có hai đứa con gái đang tuổi 12, 13. Hỏi thế hai đứa này yêu ai trong họ rồi muốn cưới, bà có đồng ý nữa không? Bà lắc đầu: Nhất quyết bảo không, khổ lắm rồi, nếu yêu thì yêu ai khác họ, và phải đủ tuổi mới cho cưới, lấy chồng thế này chỉ khổ con gái mình.
Nghe tâm sự của bà De, tôi cứ tiếc rằng nếu như trước khi đám cưới, bà phản đối mạnh hơn. Và nếu như lại được chi hội phụ nữ bản hoặc cán bộ nào đó phân tích ủng hộ thêm vào, thì có lẽ cuộc đời của con gái bà đã có những trang tươi sáng hơn.
Theo báo cáo của Viện Dân tộc học Việt Nam, hiện nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra phổ biến ở các dân tộc: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Ðu, Lô Lô, Hà Nhì.
Những dân tộc có số dân dưới 1.000 người đang có nguy cơ suy giảm, nguyên nhân chủ yếu là có quan hệ huyết thống, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, dẫn tới chất lượng dân số thấp. Như dân tộc Si La trong 8 năm chỉ tăng 51 người; dân tộc Brâu trong 4 năm tăng có người. Riêng dân tộc Rơ Măm, 4 năm qua, bị giảm tới 20 người.
Tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận