Khi ánh nắng cuối ngày tắt hẳn, những ngôi nhà lụp xụp ẩn hiện trong ánh đèn, lúc ấy cũng là khi cán bộ y tế ở xã biên giới Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên lại hành trang lên đường về bản. Đi cùng họ hôm nay có Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã - Cháng A Chinh. Đều đặn hàng tháng, trước mỗi đợt tiêm chủng lại có một chiến dịch truyền thông đi tiền trạm. Mỗi chuyến đi, đều có đại diện chính quyền xã, bản tham gia để làm cầu nối giúp bà con dễ nghe, dễ hiểu và đồng thuận.
"Địa bàn xã có nhiều thành phần cốt cán như trưởng dòng họ, người có uy tín, trưởng điểm nhóm đạo, chúng tôi sẽ bám sát các đồng chí đấy để tăng cường công tác tuyên truyền.", ông Cháng A Chinh cho biết.
Còn ông Giàng A Lếnh, Phó Chủ tịch UBND xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ trầm ngâm chia sẻ, lẽ thường, ở địa bàn thuận lợi, dân trí cao người dân sẽ tự ý thức và chủ động tham gia các chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo quyền lợi cho con em mình. Song, ở Na Cô Sa, đây dường như là chuyện hiếm.
"Đối với địa bàn, bà con chủ yếu là dân tộc Mông, tỷ lệ tiêm chủng bà con cũng có tham gia. Khi tiêm chủng có hiện tượng xảy ra sốt hoặc là ốm thì các mẹ không tham gia nhiệt tình vào công tác tiêm chủng này. Đối với cấp ủy chính quyền địa phương có sự phối hợp, khi có kế hoạch tiêm chủng sẽ phối hợp các lực lượng, cán bộ y tế, các ban ngành đoàn thể đi tuyên truyền cho bà con thường xuyên, có thể là hàng tháng, 6 tháng hoặc theo năm trên tất cả các bản trên địa bàn xã.", ông A Lếnh cho biết thêm.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song Na Cô Sa vẫn được xem là “vùng lõm” trong công tác tiêm chủng ở tỉnh Điện Biên, với tỷ lệ chỉ đạt bình quân trên 20%, thời điểm cao nhất đạt 37 - 38%. Để cải thiện con số này, bên cạnh công tác truyền thông, thì hiện nay, tiêm ngoại trạm và tiêm vét là những giải pháp đang được lực lượng y tế ở đây tích cực triển khai.
"Trạm y tế triển khai tiêm chủng có 11 bản, có 1 điểm tiêm tại trạm, 10 điểm tiêm ngoại trạm. Cán bộ y tế sẽ đi tiêm đến từng bản, bản nào khó khăn quá sẽ đến từng hộ dân để vận động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ.", Y sĩ Lò Văn Thỏa, Trưởng Trạm y tế xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Mặc dù nhà gần Trạm Y tế, song với nhiều lý do, chị Phàng Thị Nủ, bản Huổi Thủng 1 vẫn chưa thể đưa con đi tiêm theo lịch hẹn. Sau khi rà soát, lên danh sách những trường hợp như chị Nủ, cán bộ trạm lại sắp xếp công việc, tranh thủ buổi tối xuống tận nhà tiêm cho trẻ, để đảm bảo đúng lịch. Chị Phàng Thị Nủ, bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa cho biết: "Nhiều trường hợp ở đây tiêm về trẻ cũng bị sốt, nhưng bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc con sau tiêm nên em cũng không lo lắng nhiều."
Trạm y tế Na Cô Sa hiện có 6 cán bộ, trong khi dân số toàn xã là trên 6.700 người, sinh sống rải rác ở 11 bản, với hơn 90% là đồng bào theo đạo. Địa bàn phức tạp, công việc nhiều, áp lực lớn, song đúng với tinh thần “lương y như từ mẫu”, những cán bộ y tế ở đây vẫn kiên trì bám bản, nỗ lực mỗi ngày. Đều đặn mỗi tháng, những chiến dịch tiêm chủng lại được tổ chức với biết bao giọt mồ hôi lặng thầm trên con đường về bản đầy gian khó./.
Viết bình luận