Những đường băng cản lửa nối dài dưới những tán rừng xanh đã được cán bộ kiểm lâm cùng người dân xã biên giới Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, Sơn La tạo ra từ đầu mùa khô hanh đến nay. Mỗi lần đi phát dọn, cán bộ cùng bà con lại rôm rả những câu chuyện tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ về kinh nghiệm để chủ động phòng “giặc lửa”.
Anh Vừ Bả Câu, người dân bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh chia sẻ: "Khu rừng nhà nước giao cho bản mình quản lý không bao giờ bị cháy. Cứ 1 tuần mình đi kiểm tra một lần; mua cái dao, cái quốc, xẻng, lấy đi phát đường băng cản lửa, đi dập nếu có cháy..."
Với nhiều người dân Nậm Lạnh, rừng là sinh kế, khi có tới hơn một nửa số hộ dân trong xã đang phát triển kinh tế từ trồng rừng. Những năm gần đây, bà con còn được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, có thêm kinh phí trang trải cuộc sống và đóng góp cho các công trình, hoạt động của bản... Chẳng thế mà công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm, chung tay thực hiện.
Anh Mòng Văn Ênh, tổ trưởng tổ an ninh trật tự cơ sở kiêm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng của bản Bánh Han, xã Nậm Lạnh cho biết: "Tổ bảo vệ rừng của bản có 12 thành viên, phân công tuần tra, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy. Bản cũng được hỗ trợ gần 200 triệu tiền dịch vụ môi trường rừng, sử dụng số tiền đó làm đường băng cản lửa, mở tuyến đường vào khu sản xuất để bà con thuận lợi đi lại kết hợp với đường phòng cháy chữa cháy và mua các dụng cụ như đồ phòng cháy chữa cháy rừng."
Đó cũng là cách mà 114 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cấp bản trên địa bàn huyện Sốp Cộp thực hiện để bảo vệ sinh kế từ rừng. Cùng với đó, tại các địa bàn biên giới còn có tổ đội bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp; các đồn Biên phòng Nậm Lạnh, Mường Lạn và Mường Lèo. Các cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn các xã cũng thường xuyên túc trực, về với bản, với bà con.
Anh Quàng Văn Minh, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Nậm Lạnh chia sẻ: "Tôi trực tiếp hướng dẫn cho các chủ rừng, các cộng đồng bản xây dựng phương án PCCCR. Chúng tôi đi tất cả các bản, tranh thủ lúc bà con họp bản để lồng ghép tuyên truyền bà con về công tác quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt trong mùa khô hanh, bà con đốt nương rẫy, giữa đất nông nghiệp và lâm nghiệp đan xen nhau nên chúng tôi phải trực tiếp đến hướng dẫn bà con đốt nương vào đúng thời điểm, chẳng hạn như 6h sáng lúc gió nhẹ hoặc chiều tối..."
Dù là huyện vùng biên còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng Sốp Cộp là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 2/12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La, với gần 49%. Các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn đã và đang quản lý, bảo vệ gần 150.000 ha rừng tự nhiên, trong đó đất lâm nghiệp có rừng gần 70.000 ha.
Ông Trần Ngọc Đoàn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sốp Cộp, Sơn La cho biết: 'Hạt đã phân công, chỉ đạo các đồng chí kiểm lâm viên phụ trách các xã bám, nắm địa bàn, trong những ngày tháng mùa khô hanh trực 24/24h, kể cả những ngày lễ tết cũng thay phiên nhau trực thường xuyên. Đồng thời vận động bà con dân bản, các chủ rừng, tuyên truyền các hộ gia đình ký cam kết với trưởng bản, giữa trưởng bản với chủ tịch UBND xã về công tác quản lý bảo vệ rừng."
Xuân mới gõ cửa, mai anh đào cùng những cánh hoa rừng bắt đầu khoe sắc, nổi bật giữa đại ngàn biên giới Sơn La. Dưới những tán cổ thụ, những bước chân tuần rừng vẫn ngày ngày in dấu, những câu chuyện về sinh kế, về rừng xanh biên cương sẽ còn được kể bởi những người đang góp sức gìn giữ qua từng tháng năm trên vùng cao Tây Bắc./.
Viết bình luận