Giữ nghề đan lát ở vùng cao Sơn La
Thứ sáu, 00:00, 23/12/2016

(VOV) - Nghề truyền thống của đồng bào Thái tạo nên những nét đặc sắc riêng biệt, trong đó có nghề đan lát, một nghề có từ rất lâu đời và vẫn còn đến ngày nay.



 

Trong ngôi nhà sàn kiên cố, vững chãi của gia đình ông Tòng Văn Phanh, ở bản Thẳm, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, có rất nhiều vật dụng được đan lát thủ công. Những đồ dùng như chiếc ép khẩu, giọ, lếp, ghế mây đều được ông Phanh làm chứ không đi mua.

 

Ông Phanh nói: “Những vật dụng này gia đình làm từ rất lâu rồi, là nghề truyền thống của ông cha truyền lại, bố mình để lại cho mình mình phải học. Lúc đầu đan cũng rất khó, về sau mình quen dần rồi thấy đan cũng dễ thôi".

 

Ông Tòng Văn Phanh gắn bó với nghề truyền thống của cha ông. Ảnh: sonlatv

 

Trong gia đình của người Thái, đan lát là việc của đàn ông. Từ bé, ông Phanh đã được ông nội và bố dạy cho cách đan. Từ những đồ vật đơn giản cho đến phức tạp, ông đều biết đan và đan rất đẹp. Tuy nguyên liệu để làm ra sản phẩm đều sẵn có trong tự nhiên, nhưng chọn như thế nào để tạo ra một sản phẩm đan lát đẹp, bền không phải là chuyện dễ dàng, phải biết lấy những cây tre, nứa, giang không già quá, không non quá, không cụt ngọn. Khi mang về cũng không được để quá lâu vì cây khô, mọt, sẽ khó chẻ nan và cũng không giữ được độ dẻo thích hợp.

 

Kỹ thuật đan của người Thái rất đa dạng. Đồng bào thường chọn kiểu đan tùy theo sản phẩm định đan, chẳng hạn đan rổ, rá thì đan nóng mốt, nóng đôi hay đan ô vuông. Còn đan mâm ăn cơm, ép khảu, giỏ đựng kim chỉ thì đan bắt chéo hay đan hình quả trám để tạo thêm tính thẩm mĩ cho sản phẩm. Tuy nhiên, với sự lấn sân của các đồ dùng bằng nhựa thì việc tự đan lát để dùng không còn được nhiều người lựa chọn như trước.

 

 

 

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC