(VOV4) - Theo tập tục của người Lô Lô "nước tốt không bao giờ để chạy vào ruộng người khác". Người Mông còn có quan niệm, con gái đi lấy chồng thì “lúc sống là người của họ nhà chồng, lúc chết cũng là ma họ nhà chồng”. Người Brâu dù có họ trong 3 đời, nhưng khi ưng nhau thì có thể làm lễ cưới. Họ lí giải “nếu lấy người khác thì của cải bị chia sẻ…
Đây được coi là “nét văn hóa truyền thống”, nên ngay cả cán bộ dân số hay bộ đội biên phòng đến vận động tuyên truyền cũng rất khó. Theo ông Hạng Dương Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hà Giang, chính quyền phải coi việc từ bỏ tập tục này là tiêu chí xây dựng nông thôn mới để các cơ quan ban ngành và người dân cùng quyết tâm.
Thực tế cho thấy: để hạn chế và từng bước đẩy lùi hủ tục hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng. Ở nhiều địa phương, vì nhiều lý do, chính quyền cơ sở vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm, tạo tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân. Khi sự việc xảy ra, cán bộ thôn không chủ động báo cáo cho lãnh đạo xã để có biện pháp kịp thời ngăn chặn, khiến tình trạng kéo dài, khó xử lý. Một số cặp con cô lấy con cậu kể rằng khi họ đến xã đăng ký kết hôn, cán bộ không hề hỏi han về mối quan hệ giữa hai người và cũng không hề tuyên truyền gì cả. Bởi vậy, họ không nhận thức được việc con cô, con cậu lấy nhau là kết hôn cận huyết thống.
Đôi nam nữ trẻ người Lô Lô. Ảnh minh họa: baomoi.com
Anh Giàng A Chu, ở thôn Chúng Pả B, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, cho biết: “Ưng nhau thì cứ về ở với nhau thôi, đến khi ra xã làm giấy tờ thì cán bộ cũng không hỏi, chỉ hỏi ngày giờ nào làm đám cưới, nhà ở đâu, rồi đồng ý thôi".
Ở một số vùng, chính người dân kiến nghị: nếu người nào trong chính quyền biết mà không kiên quyết ngăn chặn, vẫn cho các cặp vợ chồng cận huyết lấy nhau, thì trước hết người đó phải bị xử phạt hoặc cách chức.
Về lâu dài các địa phương vùng dân tộc thiểu số cần được đầu tư nhiều hơn nữa về kinh tế, giáo dục, y tế... nhằm nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của đồng bào, đặc biệt là thế hệ trẻ vượt qua áp lực của tập tục lạc hậu, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân; đưa một số điều khoản liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết vào giảng dạy trong chương trình ở các nhà trường, ngay từ tiểu học, là điều vô cùng quan trọng và cấp bách. Những việc này như “mưa dầm thấm lâu”. Và một yếu tố nữa là cán bộ đảng viên phải gương mẫu.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tùng, cán bộ biên phòng tăng cường xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An, cho biết: “Bà con thường “nói theo làm theo” cán bộ, nên không phải cứ phạt tiền là xong, mà quan trọng là tìm cách thức nào phù hợp để thay đổi được hành vi nhận thức của cộng đồng”.
Tuyên truyền để bà con nhận thức được tác hại của việc kết hôn cận huyết. Ảnh: baomoi.com
Cũng không thể không nói đến vai trò của các cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Thay vì các hội nghị, hội thảo lớn ở thành phố, cần tổ chức tuyên truyền ở các lễ hội truyền thống, các buổi chiếu phim liên hoan văn nghệ, những buổi chợ phiên … để bà con có dịp giao lưu, gặp gỡ, thanh niên có điều kiện tìm bạn đời khác bản, khác dòng họ.
Hậu quả rõ ràng nhất của kết hôn cận huyết là sinh ra những đứa con thường mắc bệnh nan y khó chữa, bị tàn tật hoặc nhiều di chứng liên quan đến di truyền… Bởi vậy, ngành y tế cũng cần phối hợp tuyên truyền cảnh báo cho bà con về một số bệnh tật mà con cái của họ có thể mắc phải nếu lấy người cùng dòng họ. Theo anh Nguyễn Hồng Năm, trạm trưởng trạm y tế xã Lao Chải, Vị Xuyên, Hà Giang: “Cần đưa các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ trẻ em vào hương ước, quy ước của bản làng. Hỗ trợ hoạt động tư pháp cho UBND xã thực hiện quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em”.
Ở Lâm Đồng, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình đã thành lập các câu lạc bộ phòng ngừa tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; CLB tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản tại nhà trường và thôn, xã. Kết quả bước đầu là mô hình nhận được sự quan tâm ủng hộ của chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận