Kết nghĩa buôn làng – Thắm tình đoàn kết
Thứ năm, 14:21, 26/09/2024 Nam Trang/VOV Tây Nguyên Nam Trang/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN: Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/3/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố”, 20 năm qua tỉnh đã có 1.780 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa 556 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đây, hàng ngàn công trình, phần việc được cán bộ, công nhân, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở các đơn vị kết nghĩa cùng chung tay thực hiện, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, trợ giúp bà con vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Chị H’Dốk Êban ở buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar vừa thu hoạch xong lúa vụ mùa. Hàng chục bao lúa được xếp cao bên vách nhà. Chị H’Dốk cho biết, gia đình chị và bà con trong buôn bây giờ đã không còn lo vấn đề lương thực. Kỹ thuật trồng lúa được cải thiện, năng suất lúa từ 4 đến 6 tấn 1 ha, nhiều hộ không chỉ đủ lúa ăn mà còn bán đi một phần để tăng thu nhập. Theo chị H’Dốk, có đổi thay này là nhờ các đơn vị kết nghĩa, là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk và Công ty cổ phần văn hóa tỉnh đã cùng cán bộ khuyến nông kiên trì cầm tay chỉ việc.

 “Nhờ được hướng dẫn cho nên tuỳ theo các loại giống lúa mình lựa chọn, nếu như lúa thơm thì bón phân ít hơn giống lúa lai. Tùy theo loại lúa năng suất hay không, mình đầu tư giống tốt hơn. Mua phân bón Sutphat khi gieo và hai lần bón NPK cho lúa.”, chị H’Dốk Êban cho biết thêm.

Ông Y Tha Mlô, Bí thư Chi bộ buôn Ea Mấp cho hay, toàn buôn hiện có 535 hộ và chỉ còn 24 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cũng đang giảm nhanh vì mấy năm nay bà con liên tục được mùa được giá. Cùng với thay đổi bộ mặt nông thôn, công tác phát triển đảng tại buôn cũng có nhiều đột phá. Từ chỗ “trắng” đảng viên vào năm 2004, đến nay, buôn đã có 1 chi bộ với 17 đảng viên. Những kết quả tích cực ấy có sự đóng góp to lớn của hệ thống chính trị ở cơ sở cùng dấu ấn đậm nét của công tác dân vận mà đặc biệt là công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với buôn làng.

“Trong những năm các đồng chí trong đơn vị kết nghĩa về thì các đồng chí trao đổi giúp buôn có những hướng đi mới, nhất là về phát triển kinh tế. Đơn vị kết nghĩa tuy không ủng hộ được bằng vật chất nhưng đã động viên tinh thần rất nhiều, và hướng dẫn cho bà con cách làm ăn hiệu quả, sau đó buôn, thôn rồi cán bộ nắm bắt được rồi tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện những đường lối đó về phát triển kinh tế, xã hội rồi đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn buôn.”, ông Y Tha Mlô chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Chiến Thắng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, là đơn vị kết nghĩa với buôn Ea Mấp, thành công trong việc thay đổi nhận thức canh tác của bà con chính là đơn vị kết nghĩa phải gần dân và hiểu dân. Do đó, sau khi kết nghĩa, đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo, khảo sát tình hình thực tế ở buôn để xây dựng chương trình, kế hoạch giúp đỡ phù hợp. Đối với những hộ khó khăn không có đất sản xuất đơn vị sẽ vận động kinh phí để hỗ trợ vật nuôi, con giống, kết nối với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm. Những hộ dân có đất sản xuất nhưng năng suất, hiệu quả chưa cao, đơn vị mời cán bộ khuyến nông xuống tập huấn. Hàng tháng, đơn vị đều cử đảng viên xuống sinh hoạt cùng với chi bộ buôn để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ những khúc mắc của bà con.

20 năm qua tỉnh Đắk Lắk  đã có 1.780 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa 556 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Theo tỉnh ủy Đắk Lắk, kết quả công tác kết nghĩa thời gian qua đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc. Để nâng cao toàn diện hiệu quả và ý nghĩa của công tác này, Đắk Lắk sẽ tiếp tục đổi mới về cả nội dung và hình thức phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng, kết nghĩa không chỉ là câu chuyện giữa các đơn vị - doanh nghiệp với bà con các buôn làng mà phải có cả sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương. 

“Các cơ quan, đơn vị kết nghĩa cần tăng cường hơn nữa mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống nhân dân buôn kết nghĩa, từ đó đề ra những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, chủ động trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác kết nghĩa.”, ông Nguyễn Đình Trung cho biết thêm.

Kết nghĩa được xem như một hoạt động kết mối thân giao, gắn kết cộng đồng, trở thành một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 20 năm qua, nét đẹp ấy đã được vận dụng vào một chủ trương lớn của Tỉnh ủy Đắk Lắk, được cụ thể hóa bằng các hoạt động kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với từng thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó tô đẹp thêm tình đoàn kết toàn dân tộc; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển đời sống, vật chất – tinh thần của bà con vùng dân tộc thiểu số./.

Nam Trang/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC