Khát vọng tương lai trên lưng cậu trò nhỏ vùng cao
Thứ năm, 07:34, 11/07/2024 VOV Đông Bắc VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Đều đặn hàng ngày, Lương Anh Khôi (dân tộc Nùng, học sinh lớp 4 trường TH&THCS Cao Sơn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) cõng trên lưng cô em gái khuyết tật, vượt mưa nắng đến trường. Gia đình Khôi thuộc diện đặc biệt khó khăn nên cậu bé là niềm hy vọng để thắp sắp tương lai cho cô em gái cũng như cả gia đình trong hành trình tìm "con chữ"

Bất kể ngày nắng hay mưa, mỗi sáng đến lớp, ngoài chiếc cặp sách thì trên lưng cậu bé Lương Anh Khôi là cô em gái nhỏ đang học lớp 1 - Lương Bảo Thi. Năm nay 10 tuổi, chỉ nặng có 24kg cùng thân hình mảnh khảnh nhưng chưa bao giờ thấy Khôi than mỏi, than mệt. Suốt quãng đường hơn 1 km đến trường, 2 anh em vẫn ríu rít nói cười, bởi Khôi coi đó là trách nhiệm của một người anh với cô em gái vốn chịu thiệt thòi so với chúng bạn.

Gia đình Khôi có 3 chị em, chị gái Khôi sinh năm 2012 cũng không được nhanh nhẹn, riêng cô em út Lương Bảo Thi đôi chân rất yếu nên không thể đi lại bình thường. Gia cảnh khó khăn nên cậu bé nhận trách nhiệm thay bố mẹ đưa em đến lớp.

Khôi bộc bạch: “Lúc cõng em Thi cũng có thấy mệt, nhưng nếu không cõng thì em gái sẽ không được đến lớp. Nếu không được đi học sau này, em Thi sẽ khổ lắm…” chính vì vậy, cậu đã trở thành đôi chân cho em gái đến trường mỗi ngày.

         “Bây giờ con thấy gia đình mình rất khó khăn, em hay ốm, bố mẹ vất vả. Để sau này gia đình mình tốt hơn con sẽ học tập thật tốt, con có ước mơ làm bác sĩ, để chữa bệnh cho em…”

- Lương Anh Khôi

 

Giữa vùng đất Cao Sơn bốn bề là đá, ngôi nhà sàn nhỏ đơn sơ của gia đình Khôi chứa đầy những nguyên liệu thuốc lá đang được gom lại để mang đi sấy khô. Ngoài giờ đi học, Khôi cũng cố gắng giúp mẹ chọn từng nắm lá, trong khi vẫn luôn miệng hướng dẫn cô em gái đánh vần từng câu.

Chị Hoàng Thị Thu, mẹ của Khôi kể: Vợ chồng chị làm nhà này năm 2014, cố gắng có ngôi nhà để ở nên cũng không chắc chắn lắm. Kinh tế gia đình chỉ trông vào gần 2.000m đất trồng thuốc lá, làm ruộng. Trước đây hai vợ chồng cũng thay nhau đi làm công nhân nhưng từ khi con gái út hay ốm, sức khoẻ yếu thì phải có người ở nhà, không đi làm xa được nữa. Cũng bởi thế, bao năm nay gia đình vẫn là hộ nghèo.

Trong câu chuyện, giọng chị Thu đôi khi nghẹn ngào nhưng cũng ánh lên niềm tự hào khi nhắc đến con trai. Khôi ngoan lắm, không quản ngại việc gì từ nấu cơm, giặt quần áo, chăm em, làm việc nhà,... từ lúc học lớp 2 đã theo mẹ lên nương làm cỏ, vun ngô.

 

“Lúc lớp 2 cháu đi giúp vun ngô, thấy trời nắng quá, tôi bảo “Con làm ít thôi, con không cần làm đâu, để đấy cho mẹ, con còn bé lắm, làm nhiều sau này không lớn được”, nhưng Khôi bảo “Để con hộ mẹ, con thương mẹ mệt”. Thời gian đi chơi của cháu ít lắm, mọi việc nhà cháu đều làm hết, tôi ngăn nhưng cháu vẫn làm. Tôi chỉ mong sau này nó học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội” - Hoàng Thị Thu.

Không chỉ là "đôi chân" đưa em gái đến trường, Khôi còn giúp em Thi và chị gái học bài. Khôi dạy em làm toán, cầm tay em nắn nót từng nét chữ đầu tiên. Bé Thi cũng rất quấn anh Khôi, bởi anh chính là niềm vui, là niềm hy vọng và là cả tương lai của Thi sau này. Khi được hỏi về anh trai, bé Thi cười hồn nhiên: "Em rất yêu anh Khôi, anh Khôi tốt, anh Khôi quét nhà, anh Khôi nấu cơm, anh Khôi sửa ghế, anh Khôi dạy em học chữ, anh Khôi còn cõng em đến lớp nữa…".

Dù vất vả, thiệt thòi hơn những bạn bè cùng trang lứa, nhưng Lương Anh Khôi vẫn là một học sinh có thành tích học tập tốt ở trường. Cô giáo Đinh Mai Thương, Tổng phụ trách Đội Trường TH&THCS Cao Sơn, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết, Khôi sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng không vì thế mà em nản lòng. Em rất nỗ lực trong học tập và rèn luyện. 3 năm liền em là học sinh giỏi, đạt thành tích tốt trong các cuộc thi trạng nguyên toán, tiếng Việt. Ngoài ra, em còn năng nổ, nhiệt tình và luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động ở trường được thầy cô giáo và bạn bè quý mến.

Chặng đường phía trước hẳn rằng sẽ còn dài và rất nhiều gian nan với ba chị em Lương Anh Khôi, nhưng tin tưởng với sự cố gắng và khát vọng về tương lai tươi sáng hơn, các em sẽ luôn vững đôi chân và vươn lên mạnh mẽ như những mầm xanh của vùng núi đá Cao Sơn này./.

VOV Đông Bắc

Viết bình luận

Tin liên quan

Thừa Thiên Huế: Nâng bước trẻ em biên giới đến trường
Thừa Thiên Huế: Nâng bước trẻ em biên giới đến trường

VOV4.VOV.VN - Ước mơ được học chữ luôn thường trực trong các em học sinh nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã vùng biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế. Thông qua Chương trình "Nâng bước em tới trường", Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ tới trường của nhiều học sinh nghèo nơi đây.

Thừa Thiên Huế: Nâng bước trẻ em biên giới đến trường

Thừa Thiên Huế: Nâng bước trẻ em biên giới đến trường

VOV4.VOV.VN - Ước mơ được học chữ luôn thường trực trong các em học sinh nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã vùng biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế. Thông qua Chương trình "Nâng bước em tới trường", Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ tới trường của nhiều học sinh nghèo nơi đây.

“Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng ”Điểm tựa cho học sinh nghèo nơi biên giới
“Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng ”Điểm tựa cho học sinh nghèo nơi biên giới

VOV4-VN - “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng” đã và đang chắp cánh cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có thêm cơ hội vươn lên học tập. Việc làm ý nghĩa của lực lượng bộ đội biên phòng thể hiện tính nhân văn sâu sắc, sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. (Chuyên mục Biên giới xanh ngày 30/3/2022)

“Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng ”Điểm tựa cho học sinh nghèo nơi biên giới

“Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng ”Điểm tựa cho học sinh nghèo nơi biên giới

VOV4-VN - “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng” đã và đang chắp cánh cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có thêm cơ hội vươn lên học tập. Việc làm ý nghĩa của lực lượng bộ đội biên phòng thể hiện tính nhân văn sâu sắc, sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. (Chuyên mục Biên giới xanh ngày 30/3/2022)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC