Trồng 3 ha dâu, đều đặn nửa tháng gây một lứa 10 nong tằm, mỗi lứa ông Nguyễn Ngọc Khoa, thôn Bảo Ân, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thu về ít nhất 15 triệu đồng, cao điểm cuối năm có thể lên tới 20 triệu, trong khi chi phí giống và thuê người thu hái chỉ khoảng 3 triệu.
Theo ông Khoa, việc trồng dâu nuôi tằm thu nhập cao gấp nhiều lần trồng ngô. Cùng diện tích đất, nếu trồng ngô sẽ có thu hoạch khoảng 3 – 4 tấn, bán giá 6.000 - 7.000 đồng/kg, thu về hơn 20 triệu cũng chỉ ngang với một lứa tằm.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa là một trong số nông hộ ở Bảo Yên tiên phong quay trở lại với nghề trồng dâu, nuôi tằm sau Covid-19. Trước đó, khủng hoảng do đại dịch khiến giá tằm xuống đáy, toàn bộ vùng trồng 250 ha dâu của huyện sau nhiều năm gây dựng gần như bị phá bỏ.
Hơn 1 năm nay, thị trường bình ổn trở lại, một số hộ nông dân rục rịch quay trở lại với nghề cũng như tham gia mới, giúp diện tích dâu của huyện dần khôi phục, hiện đã đạt hơn 30 ha, tập trung ở các xã Cam Cọn, Bảo Hà, Kim Sơn, Việt Tiến, Nghĩa Đô.
So với trước kia, đầu ra sản phẩm ổn định hơn, ngoài cung ứng cho nhà máy ươm tơ công suất 2,5 tấn kén/ngày của tỉnh láng giềng Yên Bái, kén tằm bà con làm ra còn được Hợp tác xã Nấm Tam Đảo bao tiêu phục vụ sản xuất đông trùng hạ thảo.
Tính ra, từ đầu năm đến nay, thu nhập bình quân từ trồng dâu, nuôi tằm ở Bảo Yên đạt gần 150 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi khoảng 70 triệu.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, các nông hộ tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất đều được cam kết bao tiêu với giá ổn định là 120 nghìn đồng/kg kén, thấp nhất không dưới 80 nghìn đồng/kg. Không chỉ yên tâm về đầu ra, bà con còn có cơ hội tiếp cận với giống tốt và kĩ thuật tiêu chuẩn theo quy trình sản xuất hữu cơ.
Ông Nguyễn Quốc Huy cũng cho biết, Hợp tác xã Nấm Tam Đảo đã xây dựng quy trình, kĩ thuật, cách thức làm cụ thể cho bà con trồng dâu nuôi tằm và vận động bà con đồng hành và để Hợp tác xã có thể quản lý được chất lượng kén tằm (một sản phẩm phụ trong quy trình trồng dâu nuôi tằm).
"Huyện xác định phải xây dựng chuỗi khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra, gắn với chế biến. Từ đó có thể khắc phục được tác động ngoại cảnh của thị trường, dịch bệnh, giúp duy trì bền vững nghề dâu tằm". - Bà Nhữ Thị Tâm, Phó phòng NN Bảo Yên |
Theo bà Nhữ Thị Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cơ hội mở ra cho dâu tằm là rất lớn, với lợi thế của địa phương hoàn toàn có thể xây dựng thành vùng nguyên liệu hàng hóa theo hướng hữu cơ bền vững.
Do đó, địa phương vẫn xác định dâu tằm là một loại cây trồng chủ lực, phấn đấu đến hết năm 2025 khôi phục lại toàn bộ diện tích như trước Covid-19, đến hết năm 2030 nâng diện tích vùng trồng dâu toàn huyện lên 500 ha; đồng thời, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy ươm tơ trên địa bàn.
Mặc dù thị trường nhiều khởi sắc, nhiều bà con nông hộ vẫn dè dặt với nghề do ảnh hưởng từ đợt khủng hoảng trước.
Cấp ủy, chính quyền địa phương đang tích cực vận động người dân thay đổi nhận thức, trước mắt ưu tiên chuyển đổi các diện tích đất trồng cây kém hiệu quả và tận dụng các bãi bồi ven sông Hồng, sông Chảy cùng các con suối để trồng dâu tằm. Đồng thời, liên tục tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao kĩ thuật nuôi trồng cho bà con.
Phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế tập thể diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị các ngành chức năng cùng với huyện Bảo Yên trước hết cần tranh thủ tối đa nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia và Nghị quyết hỗ trợ phát triển nông nghiệp của địa phương để mở rộng vùng dâu, củng cố chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ kén tằm, lấy hợp tác xã làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.
"Tới đây chúng tôi sẽ đề xuất với Hội đồng Nhân dân tỉnh rằng cây dâu tằm là một loại cây cho giá trị kinh tế cao nếu như làm tốt chuỗi liên kết, do đó cần thiết phải tháo gỡ. Ví dụ có thể trình Hội đồng thông qua Nghị quyết chuyên đề hỗ trợ vốn vay từ 3 – 5 tỷ tập trung riêng cho chuỗi này để làm nổi bật hiệu quả lên"
- Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
Viết bình luận