Kon Tum phổ biến pháp luật cho dân khu vực biên giới
Thứ tư, 00:00, 14/12/2016

(VOV) - Sau 3 năm tỉnh Kon Tum thực hiện Đề án của Bộ Quốc phòng “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013- 2016”, hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên; các vụ việc vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới giảm đáng kể.

 

Tỉnh Kon Tum ở phía Bắc của Tây Nguyên, có đường biên giới quốc gia dài 280,7km tiếp giáp với Lào và Campuchia. Trên dọc tuyến biên giới có 101 thôn làng thuộc 13 xã của 4 huyện, với 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 90%.

 

Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân không đồng đều nên vi phạm pháp luật xảy ra thường xuyên, điển hình là tình trạng xuất nhập cảnh trái phép; kết hôn với người nước ngoài; khiếu kiện tranh chấp đất đai; khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; truyền đạo trái pháp luật; vi phạm quy chế biến giới…

 

Cán bộ chiến sĩ biên phòng đến từng nhà dân phổ biến pháp luật

 

Ngay sau khi Bộ Quốc phòng có Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013- 2016”, tỉnh Kon Tum, mà nòng cốt là lực lượng biên phòng, đã thành lập ngay Ban chỉ đạo Đề án của tỉnh.

 

Ông Lương Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Xú, huyện Ngọc Hồi, địa phương có trên 10km đường biên giới giáp với Lào, cho biết: “Từ khi có Đề án, việc tuyên truyền pháp luật đến bà con, đặc biệt là vấn đề vận chuyển, buôn lậu hàng hóa qua biên giới đã được triển khai thực hiện tốt. Đến thời điểm hiện tại, so sánh giữa năm 2013 đến năm 2016, tỷ lệ vi phạm giảm rất là nhiều”.

 

Là một trong 3 xã biên giới của huyện Đắc Glei, trước đây Đắc Nhoong đã từng là điểm nóng về khai thác khoáng sản và tình trạng vượt biên trái phép. Nhờ duy trì tốt hoạt động của Câu lạc bộ tư vấn pháp luật, xã Đắc Nhoong đã chấm dứt được tình trạng này.

 

Súng tự chế người dân tự giác giao nộp cho lực lượng biên phòng

 

Trong 3 năm thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo Đề án tỉnh Kon Tum đã biên soạn, phát hành 46 đề cương, tờ gấp tuyên truyền các Luật, Nghị định mới liên quan trực tiếp tới đời sống của nhân dân khu vực biên giới. Chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng đã có nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng như: hội nghị tập huấn, hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt cơ quan, đơn vị, địa phương, chào cờ đầu tuần; phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; đối thoại trực tiếp, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong nhân dân…

 

Thông qua hoạt động đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, lực lượng biên phòng Kon Tum và chính quyền, đoàn thể các địa phương còn tích cực tuyên truyền, phố biến pháp luật cho người dân nước bạn.

 

Thiếu tá Phạm Tiến Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, cho biết: “Đơn vị đã thường xuyên làm tốt công tác đối ngoại như trao đổi định kỳ, đột xuất, tổ chức tuần tra song phương. Đặc biệt, thông qua các hoạt động như kết nghĩa với Đồn Công an cửa khẩu Phu Cưa của Lào; giữa thôn Iệc, xã Bờ Y với bản Phu Cưa của Lào, đơn vị đã lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, lực lượng bảo vệ biên giới, nhân dân của nước bạn nắm được Hiệp định quy chế biên giới và các thỏa thuận mà Chính phủ hai nước đã ký kết”.

 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Kon Tum, việc phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả thiết thực, góp phần kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, nhân dân.

 

 

 

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC