"Có những gia đình ngồi trên nóc nhà, vẫy tay, hô cứu, nhưng mà vì nước lũ lên cao quá, không có phương tiện để tiếp cận chỗ ngập sâu, nên anh em cán bộ chiến sĩ cũng thực hiện những phương pháp thủ công như chặt cây tre xuống, buộc lại, xong lại chặt cây chuối, cùng với can nước, buộc lại, để di chuyển người ra ngoài..."
Đó là chia sẻ của thiếu tá Lèo Văn Hoán, cán bộ Công an xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, Sơn La có lẽ cũng là ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn trong trận mưa lũ lịch sử xảy ra trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua.
Suốt những ngày lũ dâng ngập, cho đến khi nước rút, hình ảnh về màu áo xanh của cán bộ, chiến sỹ công an không quản hiểm nguy, tham gia cứu người, dầm mình trong mưa lũ vận chuyển đồ đạc, hót dọn bùn đất, giúp bà con vững tâm vượt qua hoạn nạn... đã khắc sâu nơi rốn lũ Tông Cọ.
Thượng uý Dương Quốc Bình, cán bộ Công an xã Tông Cọ cũng chia sẻ: "Bản thân chúng tôi cũng đặt mình vào hoàn cảnh của bà con để thấy mình phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ, san sẻ với những khó khăn của bà con để bà con sớm ổn định cuộc sống".
Cũng trong trận mưa lũ lịch sử do hoàn lưu bão số 2, không chỉ ở vùng ngập lụt, mà tại những bản làng bị cô lập do sạt lở, vùi lấp bởi đất đá, cây rừng... cũng luôn hiện hữu bóng hình của cán bộ, chiến sỹ CAND.
Anh Giàng A Dếnh, bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn bày tỏ: "Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, việc cứu hộ của chúng tôi sẽ rất khó khăn. Rất là cảm ơn các đồng chí công an đã hỗ trợ bà con, giúp bà con tìm kiếm người".
Để đến được với rốn lũ Hua Pư, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La – nơi có 5 nạn nhân xấu số bị vùi sâu dưới bùn đất, cán bộ, chiến sĩ đã phải đi bộ gần chục tiếng đồng hồ, vượt lũ, băng rừng, qua biết bao điểm sạt lở trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Thế nhưng, nghĩ đến bà con đang cần điểm tựa, họ đã quyết tâm, nỗ lực với tất cả trách nhiệm, ý chí.
Trung tá Nguyễn Văn Vỹ, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ Công An cho biết: "Quãng đường chúng tôi hành quân rất vất vả, khó khăn, qua nhiều điểm sạt lở. Chúng tôi động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm vượt qua để làm sao tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất, phối hợp với bản, chính quyền tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn".
Mới đây, ngày 10/8, vụ sạt trượt nghiêm trọng tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La đã gây thiệt hại về người và tài sản, hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp. Sau nhiều ngày mưa kéo dài, địa chất phức tạp, vị trí này phát hiện thêm các vết nứt, tạo thành cung trượt có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Cùng với công tác khắc phục, ứng phó của các cấp, các ngành, lực lượng công an đã, đang ngày đêm túc trực ở Tà Xùa, vừa đảm bảo an toàn, vừa tuyên truyền, vận động, giúp dân di chuyển ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, quyết không để xảy ra những vụ việc thương tâm.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đánh giá: Lực lượng công an của huyện, xã, tổ an ninh cơ sở đã làm rất tốt vai trò này. Điểm chắn có, rà soát thường xuyên có, tối đi kiểm tra và đưa hết các hộ ra khỏi khu vực này. Và hiện nay người đã di chuyển hết rồi, nhà cửa, vật kiến trúc, tài sản sẽ di chuyển khẩn cấp và cố gắng làm sao để ổn định cuộc sống người dân trong thời gian tới.
Thống kê trong các đợt mưa lũ từ cuối tháng 7 đến nay ở Sơn La, đã làm 13 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, hơn 2.800 ngôi nhà, 32 điểm trường bị ảnh hưởng, sạt lở hàng nghìn vị trí trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ...
Chính sự đoàn kết, trách nhiệm, yêu thương sẻ chia của các lực lượng và người dân sở tại trong hỗ trợ, khắc phục đã giúp bà con vùng lũ vơi đi những đau thương mất mát... Và hình ảnh những người chiến sĩ trong sắc phục CAND luôn kịp thời có mặt tại những điểm xung yếu, không quản ngại hiểm nguy, bảo vệ bà con, cùng khắc phục hậu quả... chắc chắn sẽ không phai mờ trong lòng người dân nơi rốn lũ./.
Viết bình luận