Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số vùng biên
Hơn 3 năm nay, 2 em Quàng Trung Thành và Quàng Văn Kiên như đã trở thành con, cháu của cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Pa Thơm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên.
Quàng Trung Thành là học sinh lớp 7 còn Quàng Văn Kiên là học sinh lớp 5, đang học tại Trường Trung học và Tiểu học xã Pa Thơm. Sống trong môi trường quân đội nên hàng ngày mọi việc như vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, quần áo đều được 2 cháu chủ động thực hiện, không còn luộm thuộm như trước.
Ở đồn các cháu được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt, có góc học tập riêng và các đồ dùng, phương tiện sinh hoạt cần thiết như: bàn ghế, tủ đựng quần áo... Đơn vị cũng phân công cán bộ trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc, trực tiếp đưa đón các em đi đến trường.
Phân công cán bộ trực tiếp kèm cặp các em
Quàng Trung Thành là người dân tộc Khơ Mú, ở bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên. Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ bị mắc bệnh hiểm nghèo, bố bỏ đi từ nhỏ, ba mẹ con ở với bà ngoại nay đã gần 90 tuổi. Do kinh tế gia đình khó khăn nên bước vào năm lớp 4, việc học của cháu tưởng chừng phải dừng lại.
Thành may mắn được cán bộ Đồn Biên phòng Pa Thơm nhận về làm con nuôi. Đơn vị đã thực hiện đầy đủ các thủ tục để tiếp nhận Thành về nuôi dưỡng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để em học tập, vui chơi, phát triển hoàn thiện cả về trí tuệ cũng như thể lực.
Quàng Trung Thành chia sẻ: 3 năm ở trong đơn vị, cháu và em Quàng Văn Kiên được các chú bộ đội chăm lo việc học tập, dạy dỗ đạo đức, được tham gia các hoạt động thể dục thể thao tại đơn vị. Cháu rất yên tâm học tập và mong muốn sau này trở thành người có ích cho xã hội, để xây dựng quê hương bản làng.
Bản Pa Xa Xá là 1 trong 6 bản của xã biên giới Pa Thơm, nằm dưới chân núi Mộc Cuôi Gang với 62 hộ, gần 300 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Khơ - Mú. Đặc thù là bản miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, giao thông chia cắt nên đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn.
Chị Quàng Thị Piếng, mẹ của cháu Quàng Trung Thành cho biết: Sau một thời gian học tập, sinh sống với các chú bộ đội, việc học của cháu cũng tiến bộ hơn nhiều. Dịp nghỉ hè, cháu cũng được các chiến sỹ đưa về tận nhà thăm gia đình.
Khoảng thời gian hè, ngoài việc học tập, cháu còn phụ giúp mẹ trông em, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, phơi măng và nhiều hôm còn làm ruộng, lên nương ngô cùng mẹ. Gia đình rất vui khi nhận được sự quan tâm giúp đỡ của lực lượng biên phòng đã nhận cháu về chăm nuôi, dạy dỗ.
Nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ chiến sỹ biên phòng, các em đã trở thành con ngoan, trò giỏi
Khi nhận nuôi các cháu, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã trực tiếp kèm cặp, lo từng miếng ăn, giấc ngủ, chỗ ở cho các cháu. Thời gian đầu, các cháu còn bỡ ngỡ. Nhưng sau một thời gian, thành tích học tập, sinh hoạt đã đi vào nền nếp.
Tại đơn vị, ngoài việc học, cán bộ, chiến sĩ còn dạy các cháu tăng gia sản xuất, cho các cháu tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao...
Trước khi vào năm học mới 2021 – 2022, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Pa Thơm cũng đã phối hợp với các nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, quần áo để tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu tới trường.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Dụng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Qua thời gian, các cháu con nuôi biên phòng đều có sự chuyển biến tích cực trong học tập và rèn luyện, có phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống tốt, ngoan ngoãn, lễ phép, chăm học và đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện.
Nhân lên những nghĩa cử cao đẹp
Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” là chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai từ đầu năm 2016 và 2019, nhằm giúp đỡ học sinh hiếu học, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa; con, cháu liệt sĩ; gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Thông qua mô hình, các đơn vị biên phòng đã tạo điều kiện để các cháu có nơi ăn ở, học tập, phát triển toàn diện, trở thành những người có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số vùng biên.
Qua 5 năm thực hiện (2016-2021), chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” đã thể hiện được tính nhân văn cao đẹp; đồng thời khẳng định vai trò, nét đẹp của người lính trong “3 bám, 4 cùng” với người dân; qua đó tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” và nền biên phòng toàn dân vững chắc.
Các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên hiện đang nhận đỡ đầu 73 cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, con em các gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số… đang sinh sống và học tập trên địa bàn. Ngoài ra tại 13 đồn Biên phòng có 26 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách được các đơn vị đón về nhận làm con nuôi.
Đối với các em thuộc diện thụ hưởng chương trình “Nâng bước em tới trường”, giai đoạn 2016 - 2021, mỗi cháu được hỗ trợ thường xuyên, tối thiểu kinh phí 500.000đ/tháng. Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, các cơ quan, đơn vị còn trích quỹ, vận động các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm ủng hộ thêm 19 chiếc xe đạp, 280 phần quà bao gồm cặp sách, bút, vở viết, bộ quần áo mới, tặng quà... để giúp đỡ, hỗ trợ các em, giúp gia đình các cháu trong lao động sản xuất được gần 2.000 ngày công.
Với những việc làm thiết thực từ chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã góp phần chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên học sinh là con em đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường học tập, rèn luyện; góp phần củng cố niềm tin, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng với nhân dân khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia./.
Vũ Lợi, Anh Dũng/VOV Tây Bắc
Viết bình luận