Lời giải cho bài toán cây trồng trên đất lúa một vụ ở Lai Châu
Thứ ba, 16:21, 19/03/2024 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Cây sắn dây đang được triển khai trên đất lúa một vụ ở Lai Châu và được đánh giá là cây trồng phù hợp. Tốn ít công chăm sóc và chi phí đầu tư, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế từ cây sắn dây mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào các dân tộc địa phương.

 

Gia đình anh Lò Văn Phấn, ở bản Hua Sẳng, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, Lai Châu có trên 4.000m2 đất nông nghiệp. Do không đủ nước tưới tiêu, nên diện tích này nhiều năm nay được gia đình anh canh tác lúa một vụ, còn lại một vụ bỏ hoang.

Dù bỏ công lao động vất vả, nhưng số thóc gia đình thu hoạch được, tính ra cũng chỉ đủ chi phí ngày công chăm sóc và gạo ăn cho gia đình trong năm.

Anh Lò Văn Phấn chia sẻ, diện tích lúa một vụ của gia đình đã cho doanh nghiệp thuê và mỗi năm doanh nghiệp trả 2,5 tấn thóc, tương đương số thóc thu trước đó hàng năm.

Diện tích đất này đã được doanh nghiệp trồng sắn dây và thuê khoán lao động của gia đình chăm sóc, quản lý. Từ số tiền công nhận khoán là 100 triệu đồng và số thóc cho thuê đất, năm vừa qua gia đình đã thoát được nghèo.

Cây sắn dây không xa lạ với người dân ở các tỉnh đồng bằng, nhưng với đồng bào các dân tộc vùng cao lại là cây trồng mới. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Bản Bo phù hợp, đầu năm 2023 Hợp tác xã Hồng Phát đã lựa chọn bản Hua Sẳng để thực hiện trồng thử nghiệm mô hình. 

Nhờ sự đồng thuận của người dân, đơn vị đã thuê được 10ha đất lúa một vụ tại bản Hua Sẳng để trồng 4.000 gốc sắn dây giống cao sản.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Hồng Phát cho biết: đơn vị trả cho người dân 5.500kg thóc/ha/năm, bằng với sản lượng người dân trồng lúa. Khi có đất, đơn vị đã dùng máy xúc đắp 400 ụ đất/ha, với mỗi ụ đất khoảng 5-6m3 và đưa giống từ Hải Dương lên trồng.

Sau một năm trồng và chăm sóc, thu hoạch, năng suất đạt bình quân 75kg củ/gốc, sản lượng bình quân đạt 30 tấn/ha và giá củ sắn dây tươi hiện tại khoảng 15.000 đồng/kg.

"Qua một năm trồng tôi thấy thổ nhưỡng và thời tiết ở đây rất phù hợp cho cây sắn dây. Vụ tới này tôi đang vận động bà con trồng hoặc cho thuê đất để đơn vị mở rộng mô hình trồng cây sắn dây trên diện rộng. Trong năm 2024 chúng tôi cũng sẽ xây dựng một nhà máy để chế biến tại chỗ, mở rộng sản xuất kinh doanh và giúp cho bà con có nơi tiêu thụ ổn định, lâu dài." - Ông Trương Văn Hùng nói.

Xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nằm bên sườn dãy núi Hoàng Liên Sơn, có diện tích tự nhiên trên 7.600ha và có 8 dân tộc sinh sống.

Đây là địa phương có tiềm năng trong phát triển sản xuất nông nghiệp với hơn 1.000 ha và điều kiện thời tiết thuận lợi cho nhiều loại cây trồng. Hiện xã có hơn 830 ha chè đang cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 200 ha đất lúa một vụ và trồng một số cây trồng khác kém hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Bản Bo, huyện Tam Đường, hiện nay địa phương đang còn gần 27% hộ nghèo. Mục tiêu của xã là chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa một vụ và cây trồng kém hiệu quả sang trồng sắn dây.

Xã sẽ đứng ra làm "trọng tài" để doanh nghiệp liên kết và chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, giúp bà con xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ cây trồng mới này.

"Bà con đồng thuận góp đất cùng với hợp tác xã để tổ chức triển khai thực hiện mô hình sắn dây. Sau một năm triển khai, hiện nay dự án sắn dây đã được thu hoạch. Chúng tôi đã thu hoạch thử nghiệm trên diện tích và thấy mang lại hiệu quả cao hơn so với cây lúa gấp khoảng 4 lần. Tính ra tổng thu trên diện tích 1ha là khoảng 400 triệu đồng, trừ đi chi phí giống, thuê đất, kinh phí đầu tư và chăm sóc hết khoảng 200 triệu đồng, còn lại lợi nhuận được khoảng 200 triệu đồng." - Ông Nguyễn Xuân Hoàn cho biết.

Bước đầu, cây sắn dây đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cây lúa. Đặc biệt, doanh nghiệp này hiện nay đã cam kết hỗ trợ người dân 50% chi phí trồng và tạm ứng toàn bộ giống, phân bón, cũng như cam kết bao tiêu sản phẩm. Đây sẽ là hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, giải quyết bài toán cây trồng trên đất lúa một vụ ở Lai Châu trong nhiều năm qua và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc địa phương.

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC