"Lớn lên an toàn", một điểm tựa cho các em
Thứ hai, 00:00, 05/06/2017 THU HÀ/VOV4 THU HÀ/VOV4
VOV4.VN - Nếu như trẻ em ở các đô thị có nguy cơ bị xâm hại một thì các em nhỏ tại các điểm du lịch miền núi lại có nguy cơ mười. Nguyên nhân không chỉ bởi nơi đây tập trung một số lượng lớn du khách, mà còn bởi trẻ em ở đây rất thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình. Chương trình tình nguyện mang tên “Lớn lên an toàn” là điểm tựa dành cho các em.

 

"Lớn lên an toàn" là dự án do doanh nghiệp xã hội Wellbeing thực hiện, ra đời cách đây vừa tròn 1 năm. “Lớn lên an toàn” cũng là sáng kiến của nhóm các bạn trẻ sau một khóa học do Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện tại Hà Nội.

 

Đây là dự án phi lợi nhuận nhằm giảm ảnh hưởng của trào lưu du lịch tình dục đối với trẻ em Việt Nam, với hai hoạt động chính: trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản và các kỹ năng sống cho các em; tổ chức các chiến dịch truyền thông xã hội nhằm nâng cao ý thức bảo vệ trẻ em, giảm ảnh hưởng của du lịch tình dục đối với trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số.

 

Thời gian đầu, dự án tập trung ở 2 địa phương có đông khách du lịch là Na Hang (Tuyên Quang) và Sa Pa (Lào Cai). Dự án đã tổ chức những lớp học truyền thông tại các trường THCS và Dân tộc nội trú, bán trú, theo phương pháp lấy trẻ em làm trung tâm. Các tình nguyện viên đã tạo một sự hứng thú đặc biệt cho các em nhỏ nhờ những hình thức truyền thông rất nhẹ nhàng như: vẽ tranh, ghép hình, nặn tượng, đóng kịch.

 

Cuối mỗi buổi học, các em được chia sẻ với các tình nguyện viên, hướng dẫn viên về những câu chuyện xâm hại tình dục xảy ra ngay tại nơi các em sinh sống. Qua đó, các em hiểu thêm và rút ra được nhiều kinh nghiệm trong những tình huống bị xâm hại. Các em cũng nắm được những thay đổi của cơ thể khi đến tuổi dậy thì; nhận biết các điểm nhạy cảm trên cơ thể nam và nữ; nguy cơ và cách phòng tránh xâm hại tình dục.

 

“Nói KHÔNG khi người khác chạm vào cơ thể mình; BỎ CHẠY khi cảm nhận có dấu hiệu lạm dụng, xâm hại tình dục; Chia sẻ thông tin với mọi người” – đó là những thông điệp mà chương trình gửi đến các em.

 

8 chuyến đi thực địa và có mặt tại 9 điểm trường, trong đó có 6 trường vùng cao, tiếp cận được hơn 1.200 em nhỏ, trong đó khoảng một nửa là các em người dân tộc thiểu số - đó là những kết quả mà chương trình “Lớn lên an toàn” đạt được sau 1 năm triển khai. Đến nay, chương trình đã có mặt tại nhiều địa phương như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Nam, Hà Nội, Thái Bình.

 

Tham gia dự án là các tình nguyện viên - sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, trong đó nhiều bạn là người dân tộc thiểu số. Cô gái người Mông Giàng Thị Sao tham gia dự án với mong muốn giúp những em nhỏ ở vùng cao Tuyên Quang quê mình tránh được những vụ việc đáng tiếc xảy ra.

 

Tuy nhiên, điều khiến Giàng Thị Sao trăn trở nhất là: có vụ việc rúng động dư luận, nhưng các em không dám nói ra, hoặc khi bố mẹ biết thì bố mẹ không báo cáo chính quyền địa phương. Trên thực tế, chính quyền địa phương cũng chưa thực sự vào cuộc quyết liệt với những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em. Cho nên không có con số cụ thể, những đứa trẻ bị xâm hại tình dục gần như không tìm được một cánh cửa nào mở ra để tìm một lối thoát.

 

Đây là một trong những khó khăn mà các thành viên tham gia dự án đang tìm cách tháo gỡ. Bên cạnh đó, đa số tình nguyện viên đều là sinh viên, phải dành phần lớn thời gian để đi học, nên họ thiếu thời gian để có thể đi đến các vùng, miền, tiếp xúc với các em. Một khó khăn lớn nữa là nguồn lực có hạn, không thể tổ chức mãi những lớp học ngay tại địa phương.

 

Bởi vậy, các thành viên sáng lập Dự án đang thiết kế các ứng dụng trên thiết bị di động, để làm sao lan tỏa các bài học đến các em nhiều hơn. Việt Nam đang có lợi thế là người dùng Internet rất đông, các vùng phát triển du lịch Sa Pa - Lào Cai, Mộc Châu - Sơn La, hay Đồng Văn - Hà Giang thì sóng Internet cũng đã đến, do đó, như lời anh Nguyễn Văn Công - một trong những thành viên sáng lập dự án: đây là lợi thế để “Lớn lên an toàn” đem bài học của mình đến với nhiều trẻ em hơn là phải đến trực tiếp.

 

Ngay trước mắt, các thành viên của dự án đề ra mục tiêu là sẽ có mặt tại Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long để giúp đỡ các em nhỏ ở những địa phương này.

                              

 

 

Thu Hà/VOV4

THU HÀ/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC