Trong nhà xưởng của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, giám đốc Trần Đình Trọng cẩn thận kiểm tra lại từng thùng hàng cà phê nhân trước khi gửi ra cảng biển xuất khẩu đi Mỹ. Gần đó, hai công nhân đang nhanh tay phân loại, đóng gói cà phê bột để giao theo đơn hàng khách mới đặt qua mạng internet. Tỉ mỉ gói hàng, bà H’Ban B’Tô, ở buôn Ea Tam, xã Ea Tu, Thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết, mỗi ngày làm tại xưởng sẽ được trả công 250.000 đồng. Còn bình thường, bà cũng như các thành viên khác của hợp tác xã tập trung chăm sóc vườn cà phê cho thật tốt.
“Tôi làm trong hợp tác xã này từ năm 2015. Tôi làm theo kỹ thuật mà hợp tác xã hướng dẫn. Cà phê gia đình tôi cũng không nhiều lắm nhưng được giá nên đời sống gia đình ổn định"- Bà H’Ban B’Tô vui vẻ kể.
Đời sống ổn định của người Êđê khi tham gia hợp tác xã là điều thấy rõ, khi gia đình nào cũng có kinh tế khá giả nhờ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng. Chị H’Moan Êban, trưởng nhóm sản xuất số 2, cho biết, các chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… do hợp tác xã cung cấp, và xã viên thực hiện chăm sóc cà phê theo lịch trình rõ ràng để kiểm soát chất lượng.
Cà phê đạt chất lượng tốt chính là điều làm nên thành công cho Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, nơi có hơn 90% thành viên là người Êđê. Giám đốc hợp tác xã, ông Trần Đình Trọng cho biết, thành lập 10 năm trước, từ 49 thành viên ban đầu, hợp tác xã đã nhanh chóng phát triển thêm 260 thành viên liên kết, sản xuất cà phê chất lượng cao trên tổng diện tích hơn 300ha. Bên cạnh việc liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất cà phê xuất khẩu, hợp tác xã còn tự sản xuất cà phê bột bán trên các sàn thương mại điện tử, và làm cà phê đặc sản. Mới đây, cà phê chất lượng cao của Ea Tu đã được xuất khẩu trực tiếp tới Mỹ, nhận phản hồi tích cực với những đơn hàng tiếp theo.
Không ngừng nâng cao giá trị của hạt cà phê, hiện hợp tác xã đang triển khai sản xuất 19ha cà phê hữu cơ, có sự phân tích chất đất kỹ lưỡng từ doanh nghiệp đối tác. Ông Trần Đình Trọng chia sẻ, hợp tác xã muốn mở rộng diện tích cà phê hữu cơ ra toàn xã Ea Tu. “Nếu một buôn làm cà phê hữu cơ thì khó nhưng làm cả xã thì dễ hơn" - Ông Trọng khẳng định. Theo ông Trọng, làm nhiều dễ hơn làm ít vì làm nhiều thì cả vùng này đều an toàn. Đó là hợp tác xã tham vọng như vậy, bởi nếu làm mà cứ sợ khó khăn thì đến bao giờ mới làm được. Giống như hồi mới thành lập hợp tác xã, ông Trọng đã tham gia vận động bà còn trồng xen canh cà phê, hồ tiêu, sầu riêng. Khi xen canh rồi thì rất ổn, lấy cây nọ bổ trợ cây kia, trở thành một hệ sinh thái, rất ổn định kinh tế.
Nói về kinh nghiệm quy tụ bà con dân tộc thiểu số cùng làm trong hợp tác xã, ông Trần Đình Trọng cho rằng, phải đặt lợi ích tập thể song hành cùng lợi ích cá nhân thì mới bền vững. Bà con trình độ canh tác còn hạn chế, nhưng thuận lợi là tính cộng đồng rất cao. Chỉ rõ những lợi ích khi sản xuất theo quy trình, kiên trì trong vận động, hướng dẫn, các thành viên hợp tác xã đã biết cùng nhau tạo ra những hạt cà phê chất lượng vươn tầm thế giới.
Ngày 11/12/2024, Ea Tu Café của HTX Ea Tu được vinh danh tại Lễ tôn vinh sản phẩm tiêu biểu của các hợp tác xã toàn quốc và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024, do Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức. Giải thưởng Mai An Tiêm là phần thưởng xứng đáng đối với bà con người Êđê ở Hợp tác xã Ea Tu, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của người dân trên vùng thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vì một thế giới tốt đẹp hơn./.
Viết bình luận