(VOV) - Với tình thương dành cho các em học sinh vùng khó nhiều thiệt thòi, cô H’Kim đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến trường. Cô sẵn sàng chia sẻ cả miếng cơm manh áo vốn đã eo hẹp của mình cho học trò.
Năm 1995, tốt nghiệp Khoa giáo dục tiểu học Trường Đại học Tây Nguyên, cô gái Mnông H’Kim trở về dạy học cho con em xã Trường Xuân, huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông. Hơn 20 năm công tác tại trường Tiểu học Trưng Vương, cô H’Kim tâm sự, đối với giáo viên vùng khó khăn, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, điều quan trọng nhất là giữ được học sinh đến lớp đều đặn:
“Vẫn có hiện tượng các em nghỉ học không có lý do, một phần cũng do bố mẹ các em không động viên, không hướng cho con em đi học. Giáo viên chúng tôi cũng buồn khi mà học sinh đi học không chuyên cần, bỏ học không lí do. Chúng tôi cố gắng động viên các em đi học đầy đủ, đến tận nhà, để phụ huynh và các em hiểu việc đi học là quan trọng cho tương lai các em sau này.”
Cô H’Kim bên các học sinh người M'nông
Em H’Hương, ở bon Fâng play 2, là một trong số rất nhiều học sinh đã được cô H’Kim đến nhà vận động cha mẹ cho đi học. Để giúp H’Hương được đến trường, cô đã quyên góp quần áo đi học cho em, mua lương thực phụ giúp gia đình em, rồi phân tích những lợi ích của việc học cái chữ để bố mẹ em hiểu.
H’Hương kể: “Em năm nay 9 tuổi, em mới vào lớp 1. Lúc trước em không đi học vì không có cơm ăn, không có quần áo. Cô H’Kim cho em đồ ăn, cho em quần áo đi học, đưa em tới lớp. Em muốn biết chữ, muốn biết viết tên mình”.
Trường tiểu học Trưng Vương có hơn 870 học sinh, trong đó có gần 1/3 là học sinh dân tộc thiểu số. Từ năm 2009 đến nay, khi được bổ nhiệm làm hiệu phó, cô H’Kim càng có điều kiện để chăm lo tốt hơn cho con em người dân tộc thiểu số. Cô đứng ra thành lập tổ vận động cha mẹ học sinh đưa con đến trường, tổ giáo viên phụ đạo. Với những em đến tuổi đi học mà chưa có giấy khai sinh, cô trực tiếp hướng dẫn gia đình đến UBND xã làm giấy khai sinh cho các em. Giúp các em khó khăn có quần áo đồng phục đi học, cô vận động quyên góp trong nhà trường và các trường lân cận.
Học sinh trường Tiểu học Trưng Vương đồng diễn chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam
Để các em không mặc cảm, cô H’Kim đề xuất với nhà trường giao cho những giáo viên người dân tộc thiểu số phụ cùng giáo viên chủ nhiệm, giải thích bằng song ngữ cho các em dễ hiểu. Nhờ vậy, số lượng học sinh dân tộc tại chỗ đến trường ngày càng nhiều và không có em nào bỏ học.
Thầy Đoàn Trung Quế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương, cho biết: “Rất may mắn trong trường có Phó hiệu trưởng là cô H’Kim, vì vậy tất cả những hoạt động liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số cũng như chế độ chính sách của học sinh thì Ban Giám hiệu giao cho cô phụ trách. Vì tiếng nói của cô và niềm tin vào cô đối với người dân thì họ yên tâm hơn rất nhiều”.
Hơn 20 năm trong nghề, hơn 20 lần kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, đối với cô H’Kim và những giáo viên vùng khó khăn, món quà ý nghĩa nhất là được nhìn thấy các em rộn ràng trên sân trường ngập nắng: "Học sinh đi học đầy đủ, chuyên cần, học giỏi, nghe lời bố mẹ - Đó là món quà ý nghĩa hơn bất kỳ vật chất nào mà các em tặng thầy cô. Đó là món quà mà chúng tôi luôn mong muốn các em tặng thầy cô trong ngày 20-11”.
Nam Trang/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận