Từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN xã Châu Phong mở 4 lớp móc chỉ len thủ công ở 2 ấp. Các thành viên sau khi ra nghề đã kết nối theo nhóm, tổ, giúp nhau làm, tìm đầu ra tiêu thụ tốt hơn. Những chị em làm chung sản phẩm thường đến nhà của một thành viên bất kỳ, vừa lao động, vừa san sẻ các vấn đề trong cuộc sống, giao lưu ca hát rất vui vẻ.
Với sản phẩm móc len thủ công, các chị tranh thủ thời gian rảnh ở nhà làm. Mẫu mã bán chạy là giỏ đựng bình nước, nón, túi xách nhỏ. Thành phẩm vừa bán theo đặt hàng của khách tại địa phương, vừa gửi lên các tỉnh, thành phố lớn. Tại ấp Phũm Soài, nghề dệt thổ cẩm được duy trì, không chỉ giúp nhiều phụ nữ Chăm có việc làm, mà còn phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt, phụ nữ đồng bào DTTS Chăm còn giữ rất nhiều kỹ năng truyền thống, như: Thêu, làm bánh, dệt vải… Hội LHPN xã Châu Phong kết nối các chị em ở cùng lĩnh vực, thành lập các tổ để không chỉ gìn giữ bản sắc vốn có, mà còn giúp các chị đem tài năng đó phát triển thành công việc hàng ngày, có thu nhập ổn định.
Gần đây nhất, xóm Chăm Châu Giang hình thành Tổ phụ nữ thêu khăn Maspok, một sản phẩm đặc trưng không thể thiếu khi phụ nữ Chăm dự nghi lễ, tiệc quan trọng. Một chiếc khăn làm trong 2 tuần có giá 950.000 đồng, tiền công và thuê thợ hết 700.000 đồng nên đồng lời không được bao nhiêu. Để giảm bớt thời gian và tạo việc làm ổn định hơn, các chị chia công đoạn, làm từ viền khăn, thêu hoa, chân khăn… Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho những em nhỏ theo học.
Chị Ha Ly Mah ,tổ phó Tổ phụ nữ thêu khăn Maspok cho biết, phụ nữ ở đây làm rất nhiều nghề. Nhờ khéo tay và học qua nhiều lớp, các chị làm việc xoay theo nhu cầu thị trường, hết thêu khăn thì sang móc len, may công nghiệp, buôn bán. Trong đó, có những nghề không thể bỏ được, như việc thêu khăn Maspok là điển hình.
Số người còn biết kỹ năng thêu loại khăn này hiện rất ít. Chỉ duy nhất xóm Chăm Châu Giang là còn duy trì, tạo việc làm thường xuyên cho 30 thành viên. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh và xã còn hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong, ngoài nước. Chị Ha Ly Mah nhập nguyên liệu về giao cho thành viên, sau đó gom sản phẩm hoàn thiện về một mối để tiêu thụ.
Thông qua các chương trình trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, Tết, lễ, hội chợ… Hội LHPN đưa sản phẩm của hội viên đi giới thiệu. Qua mỗi sự kiện, đặc sản tung lò mò, bò viên, thổ cẩm Chăm… được quảng bá và nhiều người mua ủng hộ. Song song với mục đích nâng cao đời sống, các tổ tương trợ, tổ nghề nghiệp được thành lập, còn là nơi để phụ nữ Chăm sinh hoạt, tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, truyền thông cho các chị về kiến thức hôn nhân gia đình… Đồng bào DTTS Chăm hòa nhập vào nhịp sống mới, gần gũi, vui vẻ và hưởng ứng rất nhanh chủ trương mới để phát triển đời sống.
“Hầu hết mô hình, phong trào của hội được triển khai vào cộng đồng đều được chị em phụ nữ đón nhận và hưởng ứng tích cực. So nhiều năm về trước, đồng bào DTTS Chăm xóa hết hủ tục (đàn ông lấy nhiều vợ, phụ nữ bị “cấm cung” trong nhà). Tiếp nối sự thay đổi nhận thức đó, phụ nữ hiện nay được trang bị thêm kiến thức, tư duy để tự tin khẳng định vai trò của mình. Chị em chăm chỉ học tập, làm việc, nhạy bén khi làm nhiều việc khác nhau, tạo thu nhập, nuôi con học hành” - Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Phong Nguyễn Thị Yến thông tin.
Toàn xã Châu Phong hiện có hơn 1.000 hộ DTTS Chăm sinh sống. Số ít hộ vẫn còn duy trì ngành nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, sà rông, lễ phục cầu nguyện, sản xuất khô bò, tung lò mò, khăn Maturro, khăn Maspok… Nghề truyền thống của đồng bào DTTS Chăm được khôi phục, bảo tồn đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con.
Viết bình luận