Người phụ nữ mặc áo màu nâu, tóc búi cao, vóc dáng gầy rạc đang lúi húi bên bếp lửa. Lưng chị địu con; một tay đẩy võng. Trên võng cũng một đứa trẻ khoảng ba tuổi đang khóc tỷ tê. Thêm 2 đứa nữa ngồi trên manh chiếu rách nát trải giữa nền nhà. Ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, ánh nắng xuyên qua các kẽ hở của những tấm ngói, tạo thành những vệt vàng cắm xuống nồi cơm đang sôi lõm bõm.
Đáp lại lời chào của chúng tôi; chị ngước nhìn rồi khẽ gật đầu. Chị là Thị Mị. Mị không nói được tiếng phổ thông. Lấy chồng năm 14 tuổi, nay đã có 4 đứa con. Những lần vượt cạn, Mị chỉ biết quằn quại một mình trong túp lán do chồng che tạm bên rẫy. 6 lần sinh, nuôi được 4. Chị bảo: Mình không muốn đẻ con nữa. Nhưng chồng vẫn cứ bắt đẻ, nên mình phải đẻ. Tại vì mình không kế hoạch được.
Hoàn cảnh như chị Thị Mị không phải là cá biệt ở thôn 14, xã Cư Kbang, huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ea Súp, nơi có nhiều dân tộc Ê Đê, Jơ rai, Ba Na, M’Nông tại chỗ; người Kinh, người Mông, Thái, Tày sinh sống, Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, thôn 14 đã có 4 trường hợp tảo hôn. Phụ nữ ở đây sinh con thứ tư, thứ năm là phổ biến.
Phụ nữ sinh con thứ tư, thứ năm là phổ biến
Bà Hoàng Thị Châm cán bộ Văn phòng UBND xã Cư Kbang cho biết: Vẫn còn tình trạng bà bầu không chịu đi khám thai. Rồi đẻ trong ruộng, trong lán chứ không tới trạm y tế; không có cái ăn, cái mặc cho con. Con của mình đẻ ra, không được như con người ta, nhưng vẫn cứ đẻ.
Một trường hợp tảo hôn khác xảy ra đầu năm nay ở thôn 14, xã Cư Kbang. Đó là Vừ Thị Thám, chưa tròn 15 tuổi, lấy chồng tháng 2 năm 2021, hiện đang mang thai ở tháng thứ 5. Khi chúng tôi đến nhà, Vừ Thị Thám đang ngồi dưới gốc cây xoài cùng đám trẻ xúm đầu vào màn hình chiếc điện thoại cười rúc rích. Thấy chúng tôi, mặt đứa nào cũng thuỗn ra bẽn lẽn…
Thám nghỉ học cách đây 2 năm, khi ấy mới lớp 5. Lấy chồng nhưng không được đăng ký kết hôn. Có thai hơn 5 tháng vẫn chưa lần nào đến trạm y tế xã để khám.
Thám nói thật thà: Tại vì không muốn học. Anh em nhiều quá nên bố bảo có hai đứa anh đi học rồi, nghỉ học đi chăm hai đứa em nhỏ.
Ở thôn 14, vợ chồng A Sin có tới 13 đứa con, nhiều nhất thôn. Bà con ở đây quan niệm đông con rồi sẽ đông của, nên rất nhiều vợ chồng có tới 6-7 con. Vợ chồng nào chưa có con trai thì cố đẻ cho bằng được. Nhiều con trai càng tốt.
Chị Hoàng Thị Si, cộng tác viên dân số của xã Cư Kbang: trong tuyên truyền về nạn tảo hôn thì rất khó khăn. Người dân đa số không biết tiếng phổ thông, nên khi mình nói họ không hiểu, chỉ gật gật. Họ nghe mình nói xong chỉ để đó, không làm theo, vẫn đẻ nhiều.
(Một cộng tác viên đang tuyên truyền về dân số cho đồng bào)
Nhà của A Lềnh ở mép buôn Ea Uôn (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Ngôi nhà mái lợp tôn, tường xây gạch thẻ, diện tích chưa đến 16 mét vuông. Nhà không có một vật dụng nào ngoài chiếc giường ọp ẹp kê ở góc, kề sát là bếp nấu ăn. Rồi dao, rựa, cuốc và dụng cụ đi rừng cái đứng, cái nằm lỏng chỏng một xó.
Năm 2013, A Lềnh cưới vợ là Vàng Thị Phượng. Lúc ấy Lềnh 16, còn Phượng 13 tuổi. Năm 2019, khi mang thai đứa thứ 3 , Phượng mới đủ tuổi ra UBND xã đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho các con.
Năm ngoái có người trong buôn cho vợ chồng Lềnh mượn 5 sào đất để trồng một vụ sắn, hơn 10 tháng chăm sóc, thu hoạch bán được 17 triệu đồng. Hai vợ chồng dành ra 12 triệu mua con bê giống về nuôi. Nay bê đã thành bò, đang có chửa. Không có rẫy, không có ruộng, gia sản chỉ mỗi con bò.
Nhà 5 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào tiền công làm thuê từng ngày của Lềnh. Cả năm nay, người đi thành phố làm ăn nay lại trở về buôn. Họ mang dịch Covid - 19 về theo. Xã bùng phát dịch, bị phong toả gần tháng ròng. Cuộc sống càng khó khăn hơn, mấy tháng liền số ngày Lềnh được thuê đi cuốc đất, làm cỏ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
A Lềnh kể: Hai đứa còn, 1 đứa học lớp 1, một đứa học mẫu giáo. Bây giờ nhà mình khó khan lắm, không có gạo ăn. Dân làng đi bẻ măng thì hai vợ chồng mình cũng đi theo. Đi từ sáng sớm, tối 6 - 7 giờ thì về đến nhà. Hai vợ chồng cùng đi bẻ măng thì bán được hơn hai trăm, mua được bao gạo ăn mấy ngày.
Còn tại buôn Ea Uôn, toàn buôn có 328 hộ, với hơn 2 nghìn nhân khẩu, nhưng có tới trên 50 cặp vợ chồng lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Trong năm 2021 này cũng đã có 2 cặp tảo hôn. Hầu như tất cả các cặp vợ chồng ở đây đều có từ 4 con trở lên. Đã nghèo lại đẻ nhiều, càng thêm nghèo. Kinh tế của bà con rất bấp bênh, hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo.
Đã nghèo lại đẻ nhiều, càng thêm nghèo.
Chị Vương Thị Nhung, Chi hội trưởng phụ nữ buôn Ea Uôn cho biết: nhiều khi mình đi tuyên truyền, bảo vợ đi đặt vòng hay dùng kế hoạch. Nhiều ông chồng còn chửi cả mình luôn.
Trước thực trạng này, Phó GS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung, phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Trường Đại Học Tây Nguyên đang cùng các cộng sự nghiên cứu đề tài khoa học về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Phó GS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung cho biết: Những người đi tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình chủ yếu là cán bộ dân tộc Kinh. Còn người dân tộc thiểu số lại không hiểu tiếng Kinh nên 2 bên không hiểu nhau trong quá trình tuyên truyền. Chúng ta phải nâng cao nhận thức bằng việc tăng cường vai trò của giáo dục, tuyên truyền. Thứ hai là đưa tri thức bản địa vào chương trình giảng dạy của địa phương.
Vẫn theo Phó GS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung: Người biên soạn xây dựng chương trình kế hoạch phải là người am hiểu về văn hoá tộc người, về phong tục tập quán. Đồng thời, phải chú ý đến việc kết hợp giữa những nhà khoa học mà người ta hiểu về tri thức bản địa thực sự với những nhà giáo dục, để xây dựng tài liệu phù hợp với từng địa phương một.”
Một thực tế là chính quyền các xã, huyện ở Đắk Lắk chưa xử lý một trường hợp tảo hôn nào xảy ra tại địa phương theo chế tài Nghị định 110, ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ. Họ thản nhiên lờ đi cho đến khi người mẹ đủ tuổi đăng ký kết hôn. Chính điều này đã tạo thêm rất nhiều người mẹ giống như Thị Mị, sáng tối lúi húi bên bếp lửa, lưng địu con, tay đẩy võng. Não nề cất tiếng ru./.
(còn tiếp phần 2)
Nhóm phóng viên/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận