Não nề tiếng ru (phần 2)
Thứ hai, 16:42, 15/11/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Chỉ khi nào mỗi người trong cộng đồng hiểu rõ tác hại của những hủ tục lạc hậu, tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó tìm cách hạn chế, chấm dứt; khi đó tiếng ru con mới không não nề nhức nhối nữa.

 

Các dân tộc thiểu số K’Ho, Mạ, Chu Ru ở Lâm Đồng theo chế độ mẫu hệ. Nghĩa là con mang họ của người mẹ. Chị gái và em gái sau khi lấy chồng, con cái của họ đều mang họ mẹ, nên cùng huyết thống. Chị gái và em trai, hoặc anh trai và em gái, sau khi lấy vợ lấy chồng, con cái họ không cùng huyết thống.

Các dân tộc, vùng miền có quan niệm về huyết thống khác nhau. Luật pháp đã có quy định rõ ràng về hôn nhân. Nhưng tín ngưỡng, tập tục, và quan niệm về đạo đức của từng dân tộc là một điểm nghẽn.

(Ảnh minh họa)

Ở buôn Bơ Nao, thôn 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) có K’Thắm đã làm mẹ khi còn đang học lớp 8, mới 14 tuổi. Hiện giờ, con gái đầu lòng của K’Thắm cũng đã hơn 3 tuổi, con trai tiếp theo gần 8 tháng. 

Sau khi cưới, bố mẹ đã chia cho một rẫy cà phê  rộng 7 sào. Lại được cho đất sát đường nhựa, cho tiền xây nhà kiên cố. Bố mẹ hai bên đều vui vẻ vì đất cát, nhà cửa, tiền của không trôi ra ngoài dòng họ. Không lo miếng ăn, cái mặc nhưng nước mắt K’Thắm cứ tuôn ra, rơi xuống má đứa con đang bú mẹ mỗi khi thấy bạn bè cùng trang lứa líu lo cắp sách đến trường.

K’Thắm cho biết: Em không đi làm, ở nhà trông con, làm việc nhà, chồng nuôi. Chồng đi làm thôi. Lâu lâu em mới đi vườn một lần. Mà đi vườn thì gửi con ở nhà bà ngoại. Nhà ngoại ở gần đây.

Tình trạng hôn nhân cận huyết cũng xảy ra trong gia đình ông K’Sọp, ở buôn K’Rọt Sơk, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh. Chồng của K’Thi Diễm, con gái ông chính là con trai của em gái ông, tức K’Thi Diễm lâys con cô ruột. Con gái đầu của K’Thi Diễm nay đã 8 tuổi nhưng người teo tóp, đi đứng khập khiểng, thường xuyên ốm đau.

Nhưng ông K’Sọp cho rằng hôn nhân của con gái mình là phù hợp với tập tục truyền thống: Lúc mà cháu lập gia đình, mình cũng theo phong tục tập quán, cũng đám cưới, đám hỏi đoàng hoàng. Con trai là con của chị mình. Đứa cháu nó yếu lắm, nó sinh ra lúc 8 tháng, sinh non mà.

Bon Hằng Piơr xã Bảo Thuận, huyện Di Linh có 161 hộ, 757 khẩu. Ở trong bon, nhiều cặp vợ chồng là hôn nhân cận huyết thống. Thậm chí đời bố mẹ cận huyết thống, và đến đời con cũng vậy. Ông K’Brệp và K’Học là con cô cậu, lấy nhau sinh được 3 người con, trong đó có cháu K’Pơn đã 12 tuổi, bị di tật bẩm sinh, chỉ ngồi một chỗ. K’Pơn đang khóc hay cười không ai nhận biết được.

Ông K’Lào - Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Di Linh, kể rằng: Hồi chớm lớn, ông phải rất cương quyết mới thoát ra được cuộc hôn nhân tảo hôn và cận huyết thống của chính mình. Bố mẹ hứa gả ông cho một người bà con rất gần. Đó chính là em gái con cô ruột. Hai gia đình đã hứa hôn với nhau. Người con gái cũng thuận theo bố mẹ, muốn cưới ông làm chồng. Ông K’Lào đã tìm mọi cách thuyết phục, cô gái đồng ý từ hôn. Tuy nhiên, gia đình K’Lào phải chịu nộp phạt bằng tiền và nhiều của cải cho gia đình nhà gái.  

Ông K’Lào cho biết: Đồng bào dân tộc quan niệm, con cô lấy con cậu là điều vinh dự của họ hàng. Mục đích của họ là tránh tà ma và giữ lại tài sản của dòng họ, dòng tộc là chính. Họ không nghĩ là cận huyết thống. Vn đề tảo hôn và cận huyết thống phải nói là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì vẫn còn, vì bà con chưa hiểu rõ về tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết thống.”

Ông Ya Gương, phó Trường ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Về tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số đã hình thành và tồn tại quá lâu rồi, nên việc thay đổi về suy nghĩ, quan điểm của đồng bào dân tộc thiểu số thì không phải một sớm một chiều là làm được ngay. Ban dân tộc rút ra kinh nghiệm là: đội ngũ cán bộ công chức làm công tác này, số hiểu biết về phong tục tập quán của đồng bào vẫn còn hạn chế. Bởi vì không hiểu được phòng tục tập quán, không có năng lực để tuyên truyền phù hợp với trình độ của người đồng bào dân tộc thiểu số, thì đồng bào sẽ không nghe, dẫn đến hiệu quả không cao.  

Từ thành phố Đà Lạt đi theo hướng tây nam, phải vượt qua quãng đường xấp xỉ 250 km mới đến xã Đồng Nai Thượng. Đây là xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Lâm Đồng. Đồng Nai Thượng có 5 thôn, với 417 hộ, 1.915 khẩu. Là nơi cư trú lâu đời của người Mạ. Nạn tảo hôn và và hôn nhận cận huyết thống của người Mạ trước đây là phổ biến. Nhưng hiện nay đã chấm dứt triệt để.  

Ông Điểu K’Giắc, Bí Thư Đảng uỷ xã Đồng Nai Thượng cho biết: Trên cơ sở nghị quyết của Đảng bộ, UBND xã có chương trình hành động, có nội dung tuyên truyền hàng tuần trên hệ thống truyền thanh và tại các hội nghị từ xã đến thôn. Đặc biệt trong buổi sinh hoạt chi bộ, phải mời ban nhân dân thôn, những người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư để lồng ghép tuyên truyền vận động. Phường cũng thành lập các tổ dân vận gồm bí thư chi bộ, ban nhân dân thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn, và các chi hội đoàn thể cơ sở, nên hiệu quả đem lại cao. Trên cơ sở đó rà soát những hộ gia đình gương mẫu thì kịp thời biểu dương, khen thưởng.

Từ chỗ sản xuất tự cung tự cấp lạc hậu, người Mạ ở Đồng Nai Thượng đã trồng cây công nghiệp như: điều, hồ tiêu, cà phê theo cung cách sản xuất hàng hoá nên cuộc sống đã ổn định, phát triển. Toàn xã có 417 hộ gia đình, nhưng có đến 450 ha điều, 358 ha cà phê, 100 ha cao su, và 170 ha cây ăn trái. Bình quân mỗi hộ có trên 3 ha cây công nghiệp đã cho thu hoạch. Thu nhập mỗi người hàng năm đạt xấp xỉ 50 triệu đồng.

Điều đáng nói là hơn 7 năm qua, toàn xã không xảy ra trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nào. Đêm xuống, những con đường bê tông liên thôn ở đây sáng rực ánh điện. Đồng Nai Thượng đã được tỉnh Lâm Đồng công nhận là xã nông thôn mới./.

 

Nhóm phóng viên/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC