VOV4.VN - Nhiều vụ ngộ độc tập thể ở vùng cao Tây Bắc đã xảy ra, nhiều người đã phải trả giá bằng tính mạng. Các địa phương cũng đã vào cuộc ngăn chặn, nhưng thực tế vẫn chưa hạn chế được tình trạng này.
Ông Mùa A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, cho biết: Rút kinh nghiệm từ vụ ngộ độc tập thể làm 13 người phải nhập viện cấp cứu trong bữa liên hoan đầu năm ngoái, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền:
"Xã hướng bà con là ăn chín uống sôi để đảm bảo an toàn; bà con không dùng thực phẩm có phun thuốc trừ sâu, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Về một số thực phẩm tươi như là thịt, bà con để lâu ngày, vận động bà con nếu có mùi là không nên sử dụng".
Nhiều nạn nhân của thực phẩm độc hại là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, biên giới
Hơn 3 năm nay, kể từ khi ra quy định đưa tất cả cỗ đám vào quản lý, ở xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào trong các bữa ăn đông người. Việc yêu cầu ký cam kết trước khi tổ chức cỗ đám không chỉ được áp dụng riêng tại Lùng Vai mà được triển khai tại tất cả các xã trong toàn tỉnh Lào Cai. Từ 2013 đến nay, tại Lào Cai không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào lớn.
Các ngành chức năng địa phương cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ tới toàn thể người dân, góp phần làm giảm tỷ lệ ngộ độc thực phẩm từ 38,7 ca/100.000 dân (năm 2013) xuống 8,2 ca (năm 2014), 7,2 ca (năm 2015) và còn 3,3 ca (năm 2016).
Theo Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên, thì công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được ngành ưu tiên số một: đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các thứ tiếng dân tộc; qua các băng-rôn, khẩu hiệu, các đĩa hình, đĩa tiếng, tờ rơi… Biện pháp hữu hiệu nhất mà ngành đang đẩy mạnh triển khai là tăng cường cán bộ y tế các tuyến xuống cơ sở nói chuyện trực tiếp với người dân.
Những giải pháp mà các địa phương, các ngành chức năng ở các tỉnh Tây Bắc đưa ra cũng như đã triển khai thực hiện như: tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, chỉ đạo lực lượng xuống địa bàn kiểm tra, ký cam kết… thời gian qua vẫn chưa hạn chế được tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể. Các biện pháp chủ yếu tập trung vào người tiêu dùng, mà chưa chú trọng tới người sản xuất, mua bán thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm tập thể trên vùng cao Tây Bắc vẫn là câu chuyện đau lòng bấy lâu nay.
VOV-Tây Bắc
Viết bình luận