Ngày về bản ở Nguyên Bình (Cao Bằng): “Cùng vực nhau dậy” sau thảm hoạ sạt lở
Thứ bảy, 07:31, 05/10/2024
Trường Giang, Lan Anh, Công Luận/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN: Nhịp sống thường ngày chưa thể nào trở lại. Nhưng nắng đã lên nơi những thôn bản ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - gần 1 tháng sau khi xảy ra những vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng khiến hơn 50 người thiệt mạng.
Vết sạt trượt chia đôi sườn núi ở xóm Lũng Lỳ (xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là hiện trường của vụ sạt lở đất kinh hoàng rạng sáng 9/9, sau những cơn mưa lớn ồ ạt trút xuống theo bão số 3 (Yagi). Hàng trăm tấn đất đá vùi lấp 7 căn nhà, 9 người chết, 3 người bị thương.
Dù đã nhiều ngày trôi qua, tâm trạng của người Dao, người Mông ở Lũng Lỳ vẫn ngổn ngang như những ngôi nhà còn trơ lại bên dốc núi. Người dân vẫn giật mình thon thót khi nghe tiếng động lớn, người phải tạm gác nỗi tang thương, xắn tay ổn định cuộc sống gia đình và giúp đỡ bà con láng giềng.
Cùng với những hộ bị vùi lấp nhà, 19 hộ khác thuộc diện phải di dời đang được bố trí ở tạm các nhà bạt, hoặc ở nhờ nhà họ hàng để đảm bảo sinh hoạt thường ngày. Địa phương đã khởi công xây dựng 7 ngôi nhà mới cho những hộ mất nhà tại khu đất khoảng 3.000m2 ngay trong bản, địa hình cao ráo, thuận tiện ra vào đường lớn và đảm bảo an toàn.
Với suy nghĩ đơn giản: "Mình giúp được như nào thì cố gắng giúp, giúp được ai mình cũng thấy vui", ngôi nhà gỗ của anh Lý Văn Vàng, chị Giàng Thị Điện trở thành nơi 5-6 gia đình cùng ăn nghỉ suốt cả tháng nay. Sân nhà rộng rãi cũng thành “nhà văn hoá” để bà con dân bản tập hợp, bàn việc chung, nhận đồ cứu trợ…
Nhu yếu phẩm từ chính quyền và các đoàn thiện nguyện đã cơ bản giúp các hộ dân đáp ứng được nhu cầu hàng ngày, từ gạo, đồ gia dụng, thuốc men, nông cụ sản xuất cho tới chăn màn, quần áo cho mùa đông giá rét sắp tới.
62 hộ dân ở đây đều đang mong chờ Lũng Lỳ sớm xanh trở lại. Tỉnh Cao Bằng và huyện Nguyên Bình đang khẩn trương huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, tạo sinh kế ổn định, tiếp tục sắp xếp, bố trí đất đai để các hộ dân yên tâm sinh sống, canh tác.
Cách Lũng Lỳ khoảng 3km theo đường 34 là xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, cũng là “tâm” sạt lở của huyện Nguyên Bình rạng sáng 9/9. Vụ sạt lở “chưa bao giờ thấy trong đời” đã khiến người dân ở đây mất đi 11 người thân, 11 người khác bị thương, 6 căn nhà sập đổ hoàn toàn.
Anh Đặng A Sinh vẫn thấy mình quá may mắn khi nhà anh chỉ cách đường sạt trượt chừng 100m. 6 người trong gia đình nay ở nhờ cô chú, hàng xóm cũng không ai dám ở lại, chỉ trở về nhà cũ để thu dọn đồ đạc. Ngôi nhà gỗ 2 vợ chồng gom góp dựng từ 4-5 năm trước nay bỏ không, còn mỗi đàn gà quen sân ở lại kiếm ăn. Sinh lên nhà nhặt trứng trong ổ, rồi lại tất tả đi chở thóc, anh bảo “cũng yên tâm vì nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí xây nhà mới, nhưng khó khăn là vẫn chưa tìm được đất đủ rộng và an toàn”.
Lũng Súng và cả xã Yên Lạc có 38 hộ phải bố trí nơi ở mới, trong đó có 6 nhà bị trôi lấp và 2 nhà bị sập đổ, còn lại thuộc diện nguy cơ sạt lở cao. Hiện 6 hộ đầu tiên đã tìm được đất và đang san lấp nền để xây nhà mới, phấn đấu hoàn thành trong tháng 10 này, kinh phí do chính quyền cấp và huy động các nhà hảo tâm. Việc tìm kiếm đất tái định cư cho các hộ còn lại cũng được tiến hành khẩn trương, xã Yên Lạc đang vận động các gia đình hỗ trợ trao đổi, sang nhượng đất cho nhau để sớm an cư.
Ông Hoàng Chàn Mình, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết, cán bộ và các lực lượng ở xã đều làm việc xuyên suốt không có ngày nghỉ, đôn đốc thi công nhà ở mới chất lượng an toàn, đồng thời cũng hỗ trợ máy móc, công cụ nông nghiệp giúp người dân khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, bà con “có gì giúp nấy”, hỗ trợ nhau từng con gà, con lợn giống cho đến máy gặt, máy xát…
2 anh em họ Đặng Hữu Vĩnh, Đặng Thu Thảo, học sinh lớp 5 nay đã được đều đặn đến lớp, dù bùn đất vẫn lầy lội từ nhà tới trường trong những ngày mưa. Nhà các em ở bên kia khu vực sạt lở, phải nghỉ học hơn 1 tuần chờ các lực lượng và dân bản dọn dẹp đất đá, khai thông đường đi.
Thầy giáo Nông Văn Hùng, Hiệu phó trường Tiểu học và THCS Yên Lạc cho biết các thầy cô đã nhanh chóng khôi phục hoạt động dạy và học từ ngày 12/9. Đến nay, tất cả học sinh đều đã đi học đầy đủ, các thầy cô vừa đảm bảo chương trình học, vừa ổn định tâm lý cho các em, bố trí nấu cơm trưa cho các em xa nhà ăn tại lớp.
Phòng làm việc tại trụ sở Đảng uỷ, UBND xã Yên Lạc được tận dụng thành “trạm y tế” khám chữa bệnh cho bà con, do trạm y tế hiện có nguy cơ sạt lở cao. Hiện các loại thuốc men, khử khuẩn đều đã được bổ sung phục vụ tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Mặc dù phần lớn ngô hạt đã được thu hoạch, nhưng nhiều diện tích lúa và dong riềng đỏ của người dân bị vùi lấp hoặc ngập úng. Tranh thủ lúc nắng lên, các đoàn thể Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ được huy động để giúp bà con thu hoạch, đảm bảo lương thực tại chỗ.
Toàn huyện Nguyên Bình ghi nhận 54 người thiệt mạng do sạt lở, mưa lũ, trong đó 4 xã Yên Lạc, Ca Thành, Vũ Nông, Vũ Minh sạt lở vào các khu vực dân cư. Riêng điểm sạt lở trên đường thuộc xóm Khuổi Ngoạ, xã Ca Thành đã cuốn trôi xe khách, xe máy khiến 32 người chết, đến nay vẫn còn 2 người mất tích. Sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian để tái thiết cuộc sống, nhưng như chị Triệu Mùi Diết (xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc) mong mỏi: “Mọi đau thương rồi cũng sẽ qua. Chỉ mong người còn sống được bình an, sẽ cố gắng để có cuộc sống tốt hơn, để tiếp tục những công việc mà mình vẫn đang làm”.
Trường Giang, Lan Anh, Công Luận/VOV Đông Bắc
Viết bình luận