Người A Lưới mang họ Hồ
Thứ ba, 00:00, 06/09/2016

(VOV4) - Năm 1969, khi chiến trường Trị Thiên - Huế đang ở giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nguyện lấy họ Hồ làm họ của mình để tỏ lòng thương kính đối với Người cũng như thể hiện tấm lòng sắt son theo Đảng, Bác Hồ, chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc. 47 năm qua, niềm vinh dự, tự hào được mang họ Bác vẫn được các thế hệ đồng bào nơi đây nuôi dưỡng, phát huy với gần 12 nghìn người cùng mang họ Hồ.

 

Trong ký ức của ông Hồ Văn Rải, già làng A Đeeng, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, ngày 3/9/1969, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần là ngày đau buồn nhất đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên. Bà con các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều, Pa Hy, Cơ Tu đã tổ chức lễ truy điệu Bác trong 7 ngày và tình nguyện đổi họ của mình sang họ Hồ.

 

Ông Hồ Văn Rải xúc động: “Tôi đã làm cách mạng từ nhỏ. Khi lớn lên, toàn bộ tình cảm tôi dành cho Đảng, Bác Hồ. Đến khi Bác mất, tôi thấy như mất một người cha, người anh của tôi. Không có gì để bù đắp công ơn trời biển của Bác thì tôi đã lấy họ Hồ đặt họ cho mình. Tôi làm cách mạng, các con, các cháu tôi đều làm cách mạng, truyền thống cách mạng của gia đình nên tất cả mang họ Hồ”.

 

 

Ông Hồ Văn Rải, già làng A Đeeng, không quên ngày vinh dự mang họ Hồ của Bác

 

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ "muối cụ Hồ, áo cụ Hồ, cuốc, rựa cụ Hồ" đã trở thành biểu tượng cao đẹp về sự quan tâm sâu sắc, tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc huyện A Lưới nói riêng. Nhờ có Đảng, Bác Hồ, đồng bào đã thoát đói, bớt khổ. Vì vậy, đồng bào nguyện một lòng đi theo ánh sáng cách mạng, phục vụ chiến đấu.

 

Ông Hồ Hoài Nam, dân tộc Cơ Tu, ở thôn Pa-ring, xã Hồng Hạ, cho biết vượt qua khuôn khổ của luật tục, năm 1969, khi Bác mất, ông cũng như bao đồng bào dân tộc khác của huyện A Lưới cùng mang họ Hồ để ghi nhớ công lao của Bác Hồ: "Ngày xưa là không bao giờ thay đổi được họ và nếu thay đổi họ thì phải xin Giàng và phải cúng. Trong làng của tôi khi mà Bác mất rồi thì rất nhiều người đến gặp lãnh đạo xã nói là tôi xin nguyện mang họ của Bác. Tất cả mọi người đều tình nguyện, lãnh đạo xã đồng ý cho bà con đăng ký, mang họ Bác càng nhiều càng tốt. Tôi thấy cảnh bà con ai cũng muốn đăng ký để mang họ Bác, đó là kỷ niệm tôi nhớ mãi”.

 

Ngày nay, niềm vinh dự, tự hào được mang họ Hồ vẫn được các thế hệ con cháu đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới gìn giữ, phát huy. Nhiều gia đình đã duy trì đến 3,4 thế hệ cùng mang họ Hồ. Bà Hồ Thị Thanh Xuân, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ A Lưới, một trong những gia đình tiêu biểu có 4 thế hệ cùng mang họ Hồ, cho biết bà tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi. Khi ấy, chỉ biết tên bố mẹ thường gọi chứ không biết họ của mình là gì. Vì thế, bà được cấp trên đặt cho mình tên Xuân và mang họ Hồ. Tên Hồ Thị Thanh Xuân đã gắn liền với cuộc đời cách mạng của bà suốt 47 năm qua. Với niềm tự hào ấy, các thế hệ con cháu trong gia đình bà cùng nguyện mang họ Bác.

 

 

Bà Hồ Thị Thanh Xuân nghẹn ngào khi kể lại giây phút được mang họ Hồ

 

Là một trong nhiều người trẻ mang họ Hồ của Bác, anh Hồ Viết Luân, 26 tuổi, ở thôn Căn Tôm, xã Hồng Thượng, chia sẻ: “Tôi thấy mình mang được họ Bác Hồ đấy là một vinh dự lớn. Mình mang họ Hồ để tri ân công ơn trời biển của Bác cho đồng bào dân tộc nói riêng và cả nước nói chung đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

 

Phát huy truyền thống vẻ vang của vùng chiến khu cách mạng, các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số mang họ Hồ hôm nay luôn đoàn kết, dạy bảo con cháu gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình; học tập, làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng là con cháu Bác Hồ. Ông Hồ Hoài Nam, già làng Pa-ring, xã Hồng Hạ, cho biết: “Hiện nay, việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được truyền tải và lan tỏa từ trong Đảng ra các tầng lớp nhân dân. Ví dụ, bà con về tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, có những gia đình mặc dù được tiền bán trâu, bán bò, bán gỗ hàng trăm triệu nhưng họ không bao giờ tiêu phung phí sai mục đích. Hoặc là bây giờ phải đoàn kết trong thôn, bản, gia đình, không xảy ra bạo lực gia đình... Tất nhiên nói về tấm gương của Bác rất là nhiều nhưng những việc đó mà bà con học tập được chính là những nội dung thiết thực với bà con”.

 

Với lòng tôn kính Bác, hiện nay ở các xã vùng cao của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế, đã có gần 12 nghìn người các dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hi mang họ Hồ. Bên cạnh bàn thờ tổ tiên, nhà nào cũng lập bàn thờ Bác Hồ. Hàng năm, mỗi dịp lễ, Tết, kỷ niệm Quốc khánh 2/9, ngày sinh, ngày mất của Bác, bà con lại thành kính thắp nén hương thơm trên bàn thờ Bác, như một lời tri ân, nhắc nhở con cháu về lịch sử hào hùng của dân tộc.

 

 

Hồng Bắc/VOV-Trung tâm Tin

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC