Người Chăm giữ bản sắc văn hoá
Thứ hai, 00:00, 08/08/2016

(VOV) - Định cư lâu dài ở vùng đất An Giang, đồng bào Chăm đã tạo nên tiếng nói riêng, bản sắc riêng rất độc đáo, từ thánh đường, nhà ở, ẩm thực, trang phục, làng nghề… tới giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, phong tục.

 

Khuôn viên nhà người Chăm thoáng mát và cao ráo, tránh được lũ lụt. Nhà sàn được cất bằng gỗ trên những hàng cột cao khoảng 3-4m, thường quay mặt ra đường lộ hoặc ra sông. Một ngôi nhà có giá trị không chỉ bởi được cất từ các loại gỗ chất lượng tốt mà còn có màu sắc tự nhiên bền bỉ với thời gian, độ bóng ánh lên nét sang trọng.

Các ngôi nhà thường có kiểu dáng giống nhau, được thiết kế theo hình chữ Y, có cửa cái và nhiều cửa sổ ở 2 bên. Do điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, nhà truyền thống của người Chăm đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà bê tông, tường gạch, mái ngói, tôn… Thế nhưng, các làng Chăm ở tỉnh An Giang vẫn còn giữ được nhiều ngôi nhà truyền thống mang nhiều giá trị văn hóa của người Chăm.


Ngôi nhà Chăm truyền thống

 

Gia đình ông Ômaraly là một trong số ít gia đình người Chăm ở ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, còn giữ nguyên nhà sàn truyền thống. Ông là thế hệ thứ 3 sở hữu ngôi nhà này. Trước kia, cất được ngôi nhà rất công phu. Để mua được gỗ tốt dựng nhà, nhiều khi phải mua từ Campuchia. Trải qua hơn trăm năm, nhiều ngôi nhà sàn của người Chăm ở An Giang vẫn bền, đẹp, không bị hở vách hay sàn, cũng không bị mối mọt; vài năm mới quét sơn bóng lại một lần để tăng độ sáng cho lớp gỗ. Nếu tính bằng giá trị, muốn có ngôi nhà đúng như kiểu mẫu truyền thống phải tốn đến bạc tỷ.

 

Ông Ômaraly nói:“ Nhà này từ hồi xưa ông bà làm như thế nay vẫn còn giữ nguyên như vậy, chưa sửa chữa lần nào. Nhà này rất mát, mùa mưa cũng không có bị ngập lụt gì hết”.

 

 

Không gian chính của nhà sàn truyền thống

 

Bà con Chăm ở An Giang còn lưu giữ  nhiều đặc trưng văn hoá ẩm thực Chăm Islam Nam Bộ. Các món ăn truyền thống như: Càri, cơm nị-cà púa, tung lò mò hay các loại bánh truyền thống ha-pum, pây–kgah, cha-đoll, pây–nung, đin–pà -gòn… được sáng tạo trên cơ sở phối hợp hài hòa những nguyên liệu sẵn có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như thịt bò, đường thốt nốt, hành tiều, dừa, tiêu, sả ớt…

 

Ngày nay, không ít đặc sản của bà con đã tạo được uy tín và thiện cảm với thực khách thông qua việc người Chăm lập nhiều quán ăn, cơ sở sản xuất các đặc sản.

 

 

Món ăn truyền thống của người Chăm ở An Giang

 

Người Chăm Islam An Giang còn lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể như: lễ cưới, lễ hội Roya… Nét riêng biệt trong lễ cưới của người Chăm là tục đưa rể chứ không rước dâu. Trong ngày hôn lễ, chú rể sẽ được tộc họ đưa đến thánh đường làm lễ. Đoàn đưa rể có khoảng vài chục người, mang theo những cái ô đựng trầu cau, vôi gạo, muối, bánh, trái cây. Tại thánh đường sẽ diễn ra phần nghi lễ quan trọng nhất của đám cưới là lễ kà pụn (hôn phối). Sau lễ kà pụn, cô dâu và chú rể chính thức được xem là vợ chồng.

 

Người Chăm ở An Giang đều theo đạo Hồi, còn  gọi là Chăm Islam. Người Chăm Islam ở An Giang hiện có gần 20 ngàn người, sinh sống tại các xã đầu nguồn sông Hậu thuộc các huyện An Phú, Phú Tân, Châu Phú và thị xã Tân Châu.

 

 

 

Thúy Linh/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC