Người Chăm ở Ninh Thuận giảm tỷ lệ sinh
Thứ sáu, 00:00, 23/12/2016

(VOV) - Số con trung bình của một phụ nữ Chăm (Ninh Thuận) ở tuổi sinh đẻ là 2,1. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang có chiều hướng giảm.

 

Năm 2016, tổng số trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm 16,08%, giảm  so với năm 2011. Nhờ hạn chế việc sinh con thứ 3 trở lên,  chất lượng cuộc sống của đồng bào được cải thiện.

Bác sỹ Đàng Sỹ Cương, Giám đốc Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Ninh Phước, cho biết: "Những năm gần đây, việc sinh con thứ 3 giảm rất nhiều. Nếu như trước đây, sinh đẻ 4,5 đứa con thì nay 1,2 con rất là phổ biến. Nhiều gia đình, ông bà cũng thường xuyên khuyến khích con cháu sinh đẻ ít con để có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ".

 

Xã Phước Hữu có dân số trên 17 ngàn người, chỉ có 45 người sinh con thứ ba trở lên. Phước Hữu đã xây dựng 26 cộng tác viên, chuyên trách dân số phủ khắp các thôn, khu phố;  phối hợp cùng Hội phụ nữ xã xây dựng được 2 câu lạc bộ “phụ nữ không sinh con thứ 3”.

 

Qua những buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Câu lạc bộ, các buổi họp thôn, khu phố, đã tuyên truyền, vận động  đồng bào, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nữ vị thành niên áp dụng các biện pháp tránh thai; chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi; lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

 

Cán bộ chuyên trách dân số trao đổi với cộng tác viên dân số

 

Chị Đàng Thị Doanh, cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Hữu, cho biết: "Việc sinh con thứ 3 hiện nay giảm xuống so với cách đây 5 năm. Bà con không quan tâm nhiều là  sinh con trai hay con gái. Bà con nhận thức hơn đến việc nuôi nấng con làm sao cho thành đạt".

 

Đồng bào Chăm ở xã Phước Hậu cũng ý thức việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, xây dựng gia đình hạnh phúc từ 1- 2 con. Hiện nay, số con thứ 3 của toàn xã chỉ chiếm  22,7%.

 

Chị Dương Ngọc Ân, cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Hậu, cho biết: "Trước kia, tuyên truyền nhiều nhưng bà con chưa thay đổi nhiều về nhận thức. Nhưng hiện nay, một số người dân đã hiểu biết hơn, tham gia thực hiện tốt các biện pháp dân số, kế hoạch hóa gia đình; nắm bắt được vấn đề sinh ít con để phát triển kinh tế gia đình. Thực tế cho thấy gia đình có ít con kinh tế rất khá giả".

 

Chị Đạo Thị Bích Liên, ở thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, cho biết cuộc sống gia đình hiện nay của chị  rất  hạnh phúc. Sinh ít con nên gia đình chị có điều kiện để nuôi con ăn học đầy đủ, không còn khó khăn chật vật như cha mẹ chị  ngày trước.

 

 

 

 

Thùy Linh/VOV-TPHCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC