Người dân tái định cư Sơn La khấm khá nhờ nuôi cá lồng
Thứ sáu, 10:56, 29/12/2023 Trấn Long/VOV Tây Bắc Trấn Long/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Sau hơn 15 năm nhường đất để xây dựng thủy điện Sơn La, đến nay đời sống của đồng bào di dân tái định cư huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La ngày càng khởi sắc nhờ nghề nuôi cá lồng, người dân yên tâm với cuộc sống mới.

 

Sáng sớm khi mặt hồ còn phủ một lớp sương trắng mỏng, anh Lò Văn Phát, ở bản Khoang, xã Pá Ma Pha Kinh, huyện Quỳnh Nhai đã tất bật ra khu nuôi cá lồng của gia đình.

Anh Phát chia sẻ, năm 2010, khi thủy điện Sơn La tích nước, diện tích mặt hồ rất thích hợp cho nghề nuôi cá lồng, nhưng do tập quán canh tác nương rẫy đã ăn sâu vào tiềm thức nên khi ấy cả bản chưa ai dám nghĩ đến việc bỏ nương, xuống hồ nuôi cá lồng để phát triển kinh tế. Đến năm 2017, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế trên lòng hồ thủy điện và nhất là không cam chịu đói nghèo, anh Phát đã tìm tòi kỹ thuật nuôi cá, tìm hiểu tập tính của các loại cá nuôi trong ao, hồ và mạnh dạn vay vốn người thân, ngân hàng, đầu tư gần 10 lồng nuôi cá trắm, cá chép...

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Phát mang lại, nhiều hộ dân tái định cư trong bản, trong xã cũng học hỏi, làm theo. Như gia đình anh Lò Văn Sơn cùng ở xã Pá Ma Pha Khinh, trước kia phụ thuộc hoàn toàn vào trồng ngô, trồng sắn nên gia đình luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau.  Khi chuyển đổi kinh tế sang mô hình nuôi cá lồng, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định hơn.

Anh Sơn cho hay, mặc dù mới bắt tay vào nuôi cá, còn gặp khó khăn nhưng gia đình đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, bằng cách bán cho du khách đến tham quan hoặc tại chợ địa phương; quảng bá sản phẩm cá nuôi lên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo và được nhiều người đặt mua:

"Một năm thu nhập khoảng vài chục triệu thôi do còn nuôi ít, chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng ổn định hơn làm nương, làm rẫy." - Anh Sơn cho biết thêm.

Huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La hiện có 275 héc ta mặt nước nuôi thủy sản, với trên 4.000 lồng nuôi  các loại. Tổng sản lượng nuôi cá lồng và khai thác thủy sản đạt 1.300 tấn. Nghề nuôi cá lồng đã trở thành một trong những nghề phát triển kinh tế chủ lực, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo.

Theo ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai,  nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ bà con vùng lòng hồ sông Đà phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, huyện đã  tuyên truyền bà con tổ chức thả cá thành nhiều đợt, không tập trung nuôi, thả cùng lúc để  đảm bảo lượng cá bán cho người tiêu dùng thường xuyên, bảo đảm quy mô nuôi cũng như mức thu nhập ổn định từ nuôi cá lồng. Đồng thời tập trung xây dựng, quảng bá sản phầm tới thị trường trường trong và ngoài tỉnh.

"Từ nguồn lợi cá tự nhiên sông đà, huyện liên kết với một số tổ chức cá nhân, doang nghiệp để đưa vào các chuỗi siêu thị trên thị trường toàn quốc. Đến thời điểm này đối với các sản phẩm này cũng đã được thị trường đánh giá rất là cao." - Ông Cầm Văn Huy cho biết thêm.

Nghề đánh bắt và nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà, đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế, góp phần không nhỏ giúp người dân Quỳnh Nhai giảm nghèo, yên tâm với cuộc sống mới ở vùng tái định cư./.

Trấn Long/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC