(VOV4) - Lớp học tiếng Dao đầu tiên ở xã Tu Lý mở ở Xóm Mít. Khóa đầu tiên đã thu hút khá đông học viên là những người nông dân đam mê văn hóa dân tộc. Họ học để bảo tồn, gìn giữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
40 học viên - 40 nông dân, tuổi đời trung bình khoảng 40-50 tuổi, say sưa học tiếng Dao. Giảng viên là những cụ già, những người am hiểu văn hóa dân gian. Bà con đã học được 3 năm rồi. Kỹ năng cơ bản nghe, nói, đọc, viết được giáo viên chỉ bảo tận tình.
Anh Lê Mạnh Hà, một trong những học viên đạt loại giỏi trong kỳ tổng kết lớp tiếng Dao đầu tiên, chia sẻ: "Học chữ này rất khó. Tôi học 3 năm rồi, nhưng bảo để biết chỉ biết ít thôi. Phải học nhiều lắm, học lâu lắm, xóm này học được khoảng 50%. Thi cử thì không thi đâu, chỉ là đánh giá của các giảng viên, xem ai học được, cũng kiểm tra bài như phổ thông, cũng kiểm tra chữ cái như các cháu học lớp 1 ấy, chấm điểm theo buổi học. Ai kém thì sang năm tới mở lớp khác thì bắt đầu học lại từ đầu".
Lớp học tự nguyện cũng bế giảng, phát bằng
Mỗi tháng học 2 buổi vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng. Thời gian học lại vào các buổi tối, nên việc học tập không ảnh hưởng nhiều đến việc nương rẫy của bà con. Học viên đến học hầu như không phải đóng góp tiền nong gì.
Anh Bùi Trường Giang, cán bộ Trung tâm học tập cộng đồng xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Học phí thì hầu như là với sự tự nguyện. Đối với Trung tâm kinh phí hằng năm rất eo hẹp nhưng chúng tôi trích một nguồn, ví dụ khóa học kéo dài 3 năm, tổng kinh phí hỗ trợ là được 5 triệu cho lớp học. Còn phát sinh để tổ chức, duy trì lớp học thì các học viên cùng nhau bàn bạc và đóng góp kinh phí nhỏ thôi, chủ yếu là sự nhiệt tình của người thầy và ham học của học viên".
Ông Lý Văn Hương, trưởng thôn Mít, rất mong muốn gìn giữ văn hóa dân tộc mình qua những lớp học tương tự sẽ mở trong tương lai. Từ thực tế hoạt động của lớp học đầu tiên này, theo ông, rất cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía và nhiều đối tượng, để nhiều dân tộc khác ở trong vùng cũng được mở những lớp học tiếng dân tộc như lớp học tiếng Dao ở Xóm Mít.
"Sắp tới mở rộng cho cả chị em học thêm. Các cháu bé đang học phổ thông thì chúng tôi chưa cho vào, bởi vì học vào lẫn lộn từ phổ thông với chữ đây, hết phổ thông thì chúng tôi cho học. Chúng tôi đang đề nghị quan tâm khôi phục lại bản sắc tiếng nói chữ viết".
Ông Lê Văn Sam, ở xóm Chen, xã Yên Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ đã 70 tuổi. Yêu con chữ, yêu văn hóa của dân tộc mình, nên ông đã mày mò tìm hiểu, sưu tầm những bản thảo cổ rồi tự mình biên soạn giáo trình dạy tiếng Dao.
Ông Lê Văn Sam dạy tiếng Dao ở lớp học Xóm Mít
Khi về hưu, ông theo học lớp sư phạm ở tỉnh để có thêm kinh nghiệm đứng lớp. Ông trăn trở: dân tộc mình có tiếng nói, có chữ viết mà không bảo tồn và giữ gìn thì cũng như cái cây không có gốc. Ông biên soạn 4 tập sách tiếng Dao. Đến na,y 4 cuốn sách đó đã được truyền dạy cho nhiều thế hệ người Dao ở quê hương và các tỉnh lân cận.
Ông Sam bảo: "Bà con thấy học thế này phấn khởi lắm. Tuy nhiên, người ta thấy còn chưa đủ, thời gian có quá ít, mỗi tháng học có hai buổi mà mới chỉ học chữ thôi, còn học thêu, học viết, học hát, học múa thì chưa có. Nếu bây giờ mà không được học thì bỏ hết".
Cứ vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, ông Sam lại đi xe máy, vượt gần 30 cây số sang huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, dạy tiếng Dao cho cán bộ, chiến sỹ công an huyện. Ông bảo đi thế quen rồi, còn sức là còn đi. Mong muốn của người thầy này là sẽ có thêm nhiều lớp tiếng Dao nữa. Và không chỉ người Dao mà nhiều dân tộc khác cũng cần phải được hỗ trợ để giữ gìn tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.
Trong số 53 DTTS ở nước ta, 27 dân tộc đã bảo tồn khá đầy đủ bộ chữ viết riêng của mình, tiêu biểu như: Khmer, Tày, Thái, Nùng, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho, Chăm, M'nông... Bên cạnh việc La-tinh hóa ngôn ngữ của một số dân tộc, thì nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Thái… đã hệ thống được bảng ký tự riêng của mình. Hiện nay, bảng ký tự của dân tộc Thái được những nhà khoa học ở các tỉnh Tây Bắc thử nghiệm đưa vào tin học hóa, ứng dụng ở các trường nội trú trên địa bàn.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, 30 tỉnh tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số; đã biên soạn giáo trình bằng 12 thứ tiếng dân tộc; có hơn 1.200 công trình nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc thiểu số được đưa lên sóng phát thanh-truyền hình.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận