Người dùng công nghệ bảo tồn văn hoá Thái
Thứ tư, 00:00, 31/08/2016 P bt P bt

(VOV) - Việc tin học hoá dạy và học chữ Thái, sản xuất nông lịch và số hóa các tác phẩm văn hoá Thái đã giúp đồng bào Thái ở Sơn La có thêm điều kiện gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc.


 

Là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, từ nhỏ ông Cà Văn Chung đã sống trong không gian thấm đẫm văn hóa Thái. Giờ là Phó giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, ông đã sưu tầm được nhiều tư liệu về cuộc sống, con người Thái.

 

Ông và đồng sự đã đưa phông chữ Thái vào máy tính, được ứng dụng vào việc dạy và học trong các trung tâm giáo dục thường xuyên ở tỉnh Sơn La, và hiện đang được triển khai tập huấn tới đội ngũ giáo viên tiểu học là người dân tộc Thái đang công tác tại Sơn La, phục vụ cho công tác truyền dạy sau này.

 

Cô giáo Hà Thị Thành, giáo viên Tiểu học xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, là một trong những học viên của ông Chung, cho biết: “Thầy Chung tuy tuổi cao nhưng rất nhiệt tình truyền dạy chữ Thái cho anh chị em chúng tôi. Thầy rất tâm đắc với văn hoá Thái”.

 

Qua việc dạy và học chữ Thái, thấy được những khó khăn của người không biết tiếng Thái trong việc học chữ, ông Chung mày mò nghiên cứu, cài đặt chương trình học tiếng, chữ Thái trên máy tính. Chương trình này có ứng dụng thực tế khá tốt.

 

Ông Cà Văn Chung nghiên cứu đưa chữ Thái lên máy tính. Ảnh: Người đưa tin

 

Ông Chung cho biết: “Học chữ Thái dễ thôi nhưng có người không biết tiếng Thái, không có thầy dạy thì không học được. Tôi mới xây dựng một chương trình cho máy tính để máy đánh vần cho nghe, người học nghe trong máy. Nhưng không phải ai cũng có máy tính, tôi mới đưa chương trình dạy học chữ Thái vào đĩa CD. Bây giờ sản phẩm làm ra tôi giao cho Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, ai có nhu cầu có thể tìm đến đây tìm hiểu và nghiên cứu học tập”.

 

Với đồng bào Thái ở Sơn La, ông Cà Văn Chung là người có công đưa lịch Thái vào đời sống. Đồng bào Thái có cách tính lịch riêng và áp dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đi sâu nghiên cứu về lịch Thái, năm 1990, ông đã biên soạn và đề xuất đưa lịch Thái vào Nông lịch Sơn La. Công trình của ông được thẩm định, đưa vào sử dụng từ đó đến nay, được bà con nhiệt tình ủng hộ. Nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn của ông được đưa vào ứng dụng trong đời sống, sinh hoạt của bà con như: Lịch Blog phục vụ đồng bào Thái, lịch Khoa học Sơn La, lịch chỉ đạo sản xuất của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... Ông sưu tầm, biên tập, số hóa 200 bài hát dân ca Thái cho Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ hát dân ca Thái tỉnh Sơn La”.

 

Say sưa, miệt mà với những việc ấy, ông Cà Văn Chung mong ước văn hóa của dân tộc không bị mai một: “Tôi rất vui khi mình làm được những việc có ý nghĩa đối với văn hoá dân tộc Thái. Còn nhiều trăn trở tôi chưa làm được, dự định còn nhiều việc phải làm, tôi mong muốn mọi người cùng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc, những gì có thể thì nên đưa vào máy tính để bảo tồn được lâu dài. Tôi mong thế hệ trẻ cố gắng học tập và tiếp tục sự nghiệp văn hoá của ông cha”.

 

 

 

 

Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc

P bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC