Trong cái khó ló... cây cam
Câu chuyện bắt đầu từ những khó khăn do nhiều diện tích đất nông nghiệp đang dần thoái hóa, bạc màu, thời tiết mưa nắng thất thường, năng suất các loại cây trồng nói chung mỗi vụ một giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập của các hộ nông dân sa sút, đời sống vật chất càng thiếu thốn hơn.
Được sự giúp đỡ giống vốn của Nhà nước, tư vấn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ trồng lúa, ngô sang trồng cây quế, cây dược liệu, cây mắc ca và cây cam... Vụ này tiếp vụ khác, năm nọ nối năm kia, trên những triền đồi nắng cháy ngày nào giờ cây cam lên xanh như lụa biếc.
Cuối năm, dưới trời mùa đông biên giới, những đồi cam vàng lủng liểng chỉ ngắm đã no lòng. Đáng kể nhất, điển hình nhất là mô hình trồng cam của gia đình ông Sùng Quán Tùng (dân tộc Mông), bản Tàng Do, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, cho thấy hiệu quả rõ rệt nhất với việc mỗi vụ thu hoạch gia đình ông có nguồn thu nhập trên dưới 200 triệu đồng từ tiền bán cam sau khi đã trừ mọi khoản chi phí. Đó là mức thu nhập mà với hộ nông dân miền núi nói chung và huyện Nậm Pồ nói riêng, hiện đang là niềm ước mơ mà không dễ dàng gì thành hiện thực! Tục ngữ có câu “Trong cái khó ló cái khôn” và “cái khôn” ở đây chính là cây cam, là quả cam do hợp chất đất, khí hậu, lại được sự chăm bón cần cù, đúng kỹ thuật nên có vị ngọt khác thường. Có thể ví như lòng người nông dân Mông thuần phác, chân thành luôn mơ về bát cơm ăn dần ngon hơn và tấm áo mặc cũng đẹp hơn...
Năm nay, vườn cam tết hơn 2.500 gốc của gia đình ông Sùng Quán Tùng vào mùa chính vụ, những cây cam (giống cam Vinh) sai trĩu quả đang ngả sang màu vàng khắp cả vùng đồi. Từ sáng sớm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình ông Tùng “dốc” toàn bộ nhân lực trong nhà để hái cam, chọn lựa những quả vừa độ chín cắt và đóng thùng gửi cho thương lái. Đó là những bản hợp đồng trị giá vài triệu đến hàng chục triệu đồng, trực tiếp hoặc qua điện thoại, của những khách hàng từng mấy năm rồi mua cam nhà ông.
Những tâm sự trải lòng
Nhiều năm qua, đất nương nhà ông Sùng Quán Tùng hoang vu lau lách, họa hoằn mới thả mấy con trâu lên đó gặm cỏ. Sau nhiều giống cây lưu niên được trồng “thử nghiệm” nhưng đều thất bại, nhìn những diện tích nương hoang hóa mà ông Tùng cảm thấy buồn bã trong lòng. Đất đầy trong tay mà bất lực, không kiếm nổi hạt cơm từ đất, ông Tùng đành tạm biệt vợ con lên huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang), để làm thuê kiếm sống cho mình và phụ giúp gia đình. Ở huyện Bắc Quang, công việc ông được giao cũng là tham gia trồng cây cam cùng mọi người, sau đó là trông coi các vườn cam gồm hai giống chủ yếu là cam Vinh và cam sành.
Thắm thoát thoi đưa, sáng nhìn mặt trời mọc bên này núi chiều thấy mặt trời lặn bên kia núi, thế mà đã gần 10 năm trôi đi trong khát vọng áo cơm. Trong lòng người nông dân Mông xã Nậm Tin huyện Nậm Pồ, tiếng gọi quay về “bắt đất quê mình làm ra bát cơm cho người quê mình”, lúc nào cũng thôi thúc trong ông. Mười năm - đồng tiền công làm thuê dù không thật đầy tay, nhưng kinh nghiệm trồng cam thì được ông chất “đầy bụng” và đó mới là điều đáng quý hơn cả.
Hôm nay, đứng giữa vườn cam thơm từ lá và ngọt từ quả, lão nông Sùng Quán Tùng phấn khởi cho biết: “Đầu năm 2017, sau khi xin ý kiến và được chính quyền xã Nậm Tin động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện giúp đỡ, tôi bàn với gia đình và quyết định mang giống cam Vinh và cam sành từ Hà Giang về trồng thử nghiệm trên diện tích chừng 6ha đất nương bạc màu nhà mình. Rất mừng là ý tưởng lại thành công”.
Vẫn theo tâm sự của ông Sùng Quán Tùng: Thời gian đầu, mất hàng năm liền thỉnh thoảng đêm ngủ lại giật mình. Mỗi khi nghe “Dự báo thời tiết” vùng cao sắp có sương muối, lại thấy lòng buốt thon thót không phải vì “thương mình” mà là lo... cây cam chết rét. Để vườn cam phát triển tốt, ngoài đầu tư kinh phí mua lưới làm hàng rào, đào hào chống trâu bò... gia đình ông tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật đúng như hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện.
Đến vụ thứ 5 vườn cam nhà ông Tùng cho thu hoạch 14 - 15 tấn quả, sản phẩm bán ra các thị trường trong tỉnh và sang cả một số tỉnh lân cận (Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái...). Không ít vụ thương lái đến thu mua tận vườn của gia đình, với mức giá dao động từ 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg. Ông Sùng Quán Tùng cho rằng ưu điểm của giống cam Vinh, cam sành là tương đối dễ trồng, khả năng thích ứng thời tiết và chống chọi sâu bệnh tốt, vỏ mỏng, mọng nước và nước ngọt do lượng đường cao, năng suất bình quân mỗi cây đạt trên dưới 60kg quả một vụ.
Sự chung tay góp sức
Để giúp đỡ cá nhân gia đình ông Sùng Quán Tùng và hơn nữa, để các hộ nông dân trong xã, trong huyện yên tâm về một hướng làm ăn với những thuận lợi ban đầu, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và Huyện đoàn Thanh niên Nậm Pồ đã lên kế hoạch quảng bá sản phẩm cam của gia đình ông Tùng trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo... Nói về điều này, anh Nguyễn Văn Thúy, Bí thư Huyện đoàn Nậm Pồ - cho biết: Mùa cam năm nay, Huyện đoàn Nậm Pồ khởi động chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam giúp nông dân xã Nậm Tin từ trung tuần tháng 11.2023 cho đến hết mùa.
Còn chị Trần Thị Yến, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nậm Pồ - cho biết: “Chỉ sau hơn một tuần kết nối, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chúng tôi đã giúp tiêu thụ hơn 3 tấn cam của gia đình ông Sùng Quán Tùng. Điều quan trọng hơn là qua đây chúng tôi tạo được những mối quan hệ với khách hàng, họ chủ động cung cấp cho mình địa chỉ nhận hàng trong những vụ sau...”.
Chính nhờ sự chia sẻ, quảng bá sâu rộng của các đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ, trên cơ sở chất lượng thực tế của quả cam Nậm Tin, đã và đang tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng không chỉ trong xã Nậm Tin, trong huyện Nậm Pồ, trong tỉnh Điện Biên. Từ chương trình này, các cán bộ đoàn viên, thanh niên và chị em hội viên phụ nữ sẽ hiểu và chia sẻ nhiều hơn về những khó khăn, vất vả của người nông dân nói chung, người trồng cam nói riêng trong cơ chế thị trường. Đặc biệt, đấy là những nông dân thiểu số vùng sâu, vùng xa hiền lành, chất phác, giản dị - nơi mà tin học chưa thật phổ biến, chưa thật thuận lợi và người nông dân cũng chưa có nhiều điều kiện làm quen, sử dụng./.
Viết bình luận