(VOV) - Thời gian qua, một bộ phận đồng bào Mông ở Lai Châu nghe lời kẻ xấu tuyên truyền, hứa hẹn về một cuộc sống sung túc nơi thiên đường, “không làm cũng có ăn”. Sung sướng, thiên đường đâu không thấy mà chỉ có đói nghèo bủa vây. Để rồi, sau một thời gian, họ quay về với truyền thống dân tộc, chăm lo làm ăn.
Ngôi nhà gỗ truyền thống dân tộc Mông của Sùng A Dê, ở bản Hang É, xã Pa Vây Sử, tấp nập người ra vào. Ngay từ sáng sớm, bà con trong bản và họ hàng đã đến nhà anh Dê, người mang lợn, người thì gà, người nấu cơm mới để chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên, trời đất. Đây là mùa lúa thứ hai gia đình A Dê có được niềm vui no đủ, sau nhiều năm vật lộn với khó khăn, đói nghèo.
Sùng A Dê hồi tưởng lại: Khi thấy có người đến nhà bảo không phải thờ cúng tổ tiên nữa, chỉ cần đi cầu nguyện sẽ có cái ăn, cái mặc; rồi lại thấy bà con trong bản làm theo, nên anh cũng gật đầu. Tuần nào cũng vậy, bà con trong bản cứ đi cầu nguyện mãi mà chẳng thấy lúa ngô, trâu bò đâu.
“Trước kia nghe người ta bảo theo đạo là tốt, mình cũng đi theo. Theo đạo đó là một tuần phải đi cầu nguyện một ngày, phong tục truyền thống của dân tộc bỏ hết đi không theo nữa. Giờ thì mình cũng không đi nữa, quay lại về với phong tục truyền thống của dân tộc” - Sùng A Dê nói.
Người Mông quay về với phong tục truyền thống. Ảnh minh họa: VNExpress
Sau hơn 7 năm nghe lời tuyên truyền bỏ phong tục truyền thống dân tộc mình để theo cái gì đó mơ hồ, 4 người trong gia đình anh Sùng A Khai, ở bản Sềnh Sảng A, xã Dào San, huyện Phong Thổ, đã phải trải qua những tháng ngày nheo nhóc. 3 năm nay, gia đình anh quay về với lễ nghi dân tộc Mông, lập lại bàn thờ để thờ cúng tổ tiên, tập trung làm ăn. Đến nay, kinh tế của gia đình A Khai đã khấm khá hơn.
Thấy A Khai tập trung làm ăn, có của ăn của để, nhiều gia đình ở bản Sểnh Sảng A cũng bỏ cầu nguyện, chăm chỉ làm ruộng, làm nương và chăn nuôi nên đói nghèo cũng dần bỏ đi.
Sùng A Khai cho biết: “tôi theo được 3 năm đạo Cơ đốc, sau lại quay về theo đạo Tin lành. Thời gian sau, tôi nghĩ là trong thời gian tôi theo đạo chẳng được lợi cái gì, mất thời gian để đi làm ăn. Sau đó được anh em và họ hàng vận động quay trở lại, tôi lập lại bàn thờ để thờ cúng tổ tiên theo phong tục tập quán cũ của dân tộc mình”.
Tự do tín ngưỡng - tôn giáo là quyền của mỗi công dân và điều này đã được Hiến pháp Việt Nam công nhận. Tuy nhiên, lợi dụng nhận thức hạn chế của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số, thời gian qua đã có những kẻ lợi dụng, núp bóng tôn giáo tuyên truyền để bà con từ bỏ phong tục truyền thống ngàn đời của cha ông để lại, tin cầu nguyện sẽ có lúa, ngô, trâu, bò, không cần làm cũng có ăn; gia đình có người bị ốm, bệnh tật không cần đến trạm y tế khám mà chỉ cần cầu nguyện sẽ khỏi, đã dẫn tới hệ lụy là hủ tục lạc hậu quay trở lại.
Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận