Người phụ nữ ở bản Ka Túp "thổi hồn" vào thổ cẩm để làm giàu
Thứ tư, 16:03, 20/09/2023 Dân tộc và Phát triển Dân tộc và Phát triển
VOV4.VOV.VN - Chúng tôi thăm gia đình chị Hồ Thị Phay ở bản Ka Túp, xã Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) - người đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cầm truyền thống vào một ngày mùa thu. Dù đã cuối giờ trưa, nhưng trong căn nhà xây khang trang nằm sát dòng sông Sê Pôn, nơi phân định hai nước Việt-Lào, vẫn vang lên tiếng kẽo kẹt của khung cửi dệt vải. Hơn 50 năm gắn bó với nghề cha ông để lại, chị Phay chứng kiến những thăng trầm của nghề,nhưng chị chưa bao giờ từ bỏ đam mê. Và vì quá "yêu nghề, nên nghề đã không phụ chị...".

 

Đam mê nghề dệt

Chị Hồ Thị Phay sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm ở bản Ka Túp, xã Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ngay từ nhỏ chị đã được tiếp xúc với nghề dệt thổ cẩm. Những đêm bên khung cửi với mẹ và bà ngoại đã theo chị cả quãng đời tuổi thơ, rồi đam mê nghề dệt từ lúc nào, chính chị cũng không còn nhớ!

Khi Trưởng bản Hồ Văn Thảo và tôi ghé thăm nhà chị Phay cũng là lúc vợ chồng chị chuẩn bị cho khung cửi “nghỉ ngơi". Trò chuyện với chúng tôi, Người phụ nữ Bru-Vân Kiều có nụ cười phúc hậu chậm rãi bày tỏ: “Ngày trước, ở Ka Túp có nhiều người biết dệt thổ cẩm, trong đó có bà ngoại của Phay. Sau những giờ lên nương rẫy vất vả, đêm về bà ngoại và mẹ lại ngồi bên khung cửi dệt vải. Những lúc như thế Phay luôn bám sát và chăm chú xem mẹ và bà dệt. Âm thanh kẽo kẹt của khung cửi cùng những cuộn chỉ nhiều màu sắc đã cuốn hút, đem đến cho Phay niềm yêu thích khó tả”.

Không còn nhớ lúc mấy tuổi, chỉ biết là khi còn rất bé, chị Phay đã xin ngoại và mẹ truyền dạy cách dệt. Việc học nghề dệt thủ công rất khó, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Từ căng chỉ, luồn chỉ, đạp chân, đưa thoi…, mọi động tác dệt luôn nhịp nhàng, chuẩn xác. Dệt càng khó bao nhiêu, chị càng quyết tâm học và rèn luyện bấy nhiêu.

Đam mê và kiên trì đã mang lại thành công cho chị. Năm 16 tuổi chị Phay đã biết dệt thành thạo tất cả các sản phẩm như: Khăn, áo và váy của người Bru-Vân Kiều. Chưa dừng lại ở đó, chị Phay còn tiếp tục học cách cắt và may áo, váy hoàn toàn bằng thủ công. Sau này, bà ngoại và mẹ già yếu, tất cả trang phục truyền thống của các thành viên trong gia đình đều do chị Phay tự tay dệt và cắt may.

Ngày Hồ Thị Phay theo chồng về bên nội (cùng bản Ka Tup). Của hồi môn chị mang theo là khung cửi và cái nghề cầm tay dệt thổ cẩm. Hằng ngày, bận bịu với công việc nương rẫy, con nhỏ…nhưng tranh thủ lúc nghỉ trưa, hay đêm đến, chị lại say sưa ngồi bên khung cửi. Vừa dệt theo các mẫu hoa văn mình đã biết, chị vừa nghiên cứu học hỏi các mẫu hoa văn mới. Nhờ vậy, kỹ năng dệt của chị Phay ngày càng tiến bộ. Chị tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp với những hoa văn độc đáo, được nhiều khách hàng đặt dệt. Kinh tế của gia đình Phay cũng theo nghề dệt mà khá hơn. Từ vợ chồng trẻ mới ra riêng, gia đình chị Phay đã đủ cái ăn, cái mặc và các con được học hành đầy đủ.

Yêu nghề, nghề không phụ

Dừng câu chuyện, chị mời khách cùng uống trà, rồi giọng chị bỗng trầm xuống: “Nghề dệt thổ cẩm của người Bru-Vân Kiều ngày càng ít người theo làm, sản phẩm ít người sử dụng. Tôi lo sợ rồi đây sẽ mai một chú ạ”!

Chị bảo, sự phát triển của đất nước và cuộc sống ngày càng hiện đại, vật liệu ngành may mặc tiện dụng ra đời. Sản phẩm thủ công dệt thổ cẩm nói riêng và các ngành thủ công khác khó cạnh tranh. Khó khăn là vậy, nhưng gia đình vẫn "sống khỏe" với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chị nói, làm gì cũng cần có sự đam mê, trăn trở và hơn hết là trách nhiệm với khách hàng của mình. 

Bền bỉ với nghề, nghề không phụ. Ngoài khách hàng cố định, gia đình Hồ Thị Phay cũng đón nhận những đơn hàng ở nhiều nơi, như ở huyện Đa Krông (Quảng Trị); Lệ Thủy (Quảng Bình)….Không chỉ giữ được nghề, đời sống kinh tế gia đình cũng phát triển nhờ nghề. Nhờ đó, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, với đầy đủ các vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như tivi, tủ lạnh, xe máy…. Đặc biệt, 7 người con đều được học hành đầy đủ. Đến nay, trong số 7 người con của anh chị đã có 3 người lập gia đình riêng, 4 con đang theo học các cấp học.

Trưởng bản Ka Túp cho biết,  nghề dệt không chỉ nuôi sống gia đình chị Phay, mà còn giúp cho gia đình chị trở thành hộ giàu tại địa phương.

Hồi tháng 7 vừa qua, huyện Hướng Hóa tổ chức lễ Kỷ niệm 55 Ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa (1968 - 2023). Trong dịp này, chị Phay đã đăng ký tham gia Hội chợ Thương mại. Tại đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Bru-Vân Kiều, khung cửi, sợi dệt của chị lần đầu tiên được giới thiệu đến du khách gần xa. Thông qua hội chợ, nhiều khách hành đã tìm về với gia đình chị để đặt hàng. Đây là "trái ngọt" mà gia đình Hồ Thị Phay đón đợi sau bao năm cố gắng.

Hiện chị Phay đang có ý định mở rộng quy mô sản xuất nhưng cũng đang còn khó khăn về vốn đầu tư. Địa phương  đang tìm cách hỗ trợ chị  thông qua các nguồn cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.Theo Bí thư Chi bộ bản Ka Túp Thanh Ngọc: việc mở rộng quy mô sản xuất sẽ  giúp Hồ Thị Phay có điều kiện truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Bru-Vân Kiều cho nhiều thế hệ trẻ. "Đó là tín hiệu rất vui cho một gia đình người DTTS biết làm giàu từ chính nghề truyền thống cha ông để lại. Vui hơn nữa là nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Bru-Vân Kiều có lớp người kế cận, không lo thất truyền", Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Thanh Ngọc nói.

Dân tộc và Phát triển

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC