Người thợ giữ kiến trúc nhà sàn Tày
Thứ ba, 16:45, 08/03/2022 Thu Ha bt 2 ảnh kt Thu Ha bt 2 ảnh kt
LTS - Để có ngôi nhà sàn vững trãi che nắng, che mưa giúp người dân Tày bao đời sinh sống bình yên trên bản làng đều nhờ những ông thợ mộc khéo tay, lành nghề.

 

Nhà sàn gắn với đời sống người dân miền núi từ bao đời nay, trong truyện cổ dân tộc, kiến trúc nhà sàn được tạo thành từ hình tượng con rùa với 4 chân là cột nhà và mai rùa là mái. Trí tuệ dân gian cùng sự cọ sát với thiên nhiên đã giúp những người vùng cao tạo ra nơi ở kiên cố, tránh được nhiều hiểm nguy mà lại thoáng mát, sạch sẽ và có nét riêng.

Nghề làm thợ mộc ở các bản người Tày chúng tôi cũng được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tiếng là thợ nhưng đây chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn hoặc khi được họ hàng, anh em trong thôn đến nhờ mới khai rìu, mang thước đi làm. Nhiều dòng họ người Tày có truyền thống làm thợ dựng nhà sàn đều có một bàn thờ riêng thờ những người đã truyền nghề mộc và thiết kế nhà sàn, nhà gỗ. Bàn thờ này được gia chủ trang trọng thờ cúng như bàn thờ Tổ tiên, hương khói đều đặn vào các ngày lễ, Tết trong năm.

Dựng nhà sàn là việc lớn cần nhiều người giúp sức mới xong. Nhưng việc lớn nhất để ngôi nhà thành hình theo ý chủ nhân phải cần đến một thợ chính thạo nghề từ thiết kế đến xây dựng hoàn thiện. Người thợ này phải thành thạo dùng rìu, bào, cưa… từ tấm bé và có khả năng thiết kế nhà gỗ đủ kích cỡ, biết xem hướng nhà hợp cho gia chủ.

Mỗi bản Tày đều có 1 - 2 người thợ như vậy. Họ học nghề từ người thầy đầu tiên chính là bố, là chú mình rồi đi làm thợ và thành nghề được. Sự khéo léo, tỉ mỉ, thận trọng và hiểu phong tục văn hóa dân tộc là những điểm mấu chốt để làm nên một thợ thiết kế nhà sàn.

Thường khi một người muốn làm nhà sàn mới, hoặc trong nhà có con muốn ra ở riêng sẽ tìm đất tốt làm nền, chuẩn bị đủ gỗ, cột kèo, ngâm bùn chống mối, mọt rồi chọn ngày tốt tìm đến một người thợ uy tín để nhờ thiết kế và thi công giúp. Người thợ nghe tả về diện tích, số gian, số cột sẽ tính toán rồi bắt tay vào tạo vì, kèo cho ngôi nhà. Là người cùng bản, có khi là anh em, họ hàng nên từng chiếc cột gỗ, từng cái kèo, xà xiên… đều qua tay người thợ cầm rìu, cưa, bào, nẩy mực làm nên hình.

Kiến trúc nhà sàn gỗ vẫn được bảo tồn ở các bản làng người Tày - Ảnh: Hà Giang online

Ông Nguyễn Đình Chiến, một thợ làm nhà sàn lâu năm ở thôn Lúp, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu ngôi nhà trong bản này. Những ngôi nhà qua tay ông đều được làm tỉ mỉ từng chi tiết theo ý chủ nhà, điểm nào chưa hợp lý thì cùng chủ nhà bàn bạc rồi mới tiếp tục làm.

Với ông, được làm nên ngôi nhà sàn vững chãi che nắng, che mưa cho một gia đình sinh sống bình yên là niềm vui, niềm tự hào. Thợ dựng nhà sàn được người dân bản quý và kính trọng ngang với các thầy tào, thầy cúng trong bản. Con lợn mổ để đãi công dân bản, anh em về giúp hôm dựng nhà, miếng thịt ngon nhất được gia chủ để riêng gói lại bằng lá dong mang đến tận nhà ông thợ để cảm ơn trước.

Theo thời cuộc, dựng nhà sàn trong bản giờ ít đổi công, nhờ cả bản giúp như trước. Giờ đây nhiều người chọn cách giao khoán cho các bác thợ thiết kế và xây dựng như nhà xây hiện nay. Các ông thợ vẫn thiết kế nhà từ đầu tới cuối nhưng bây giờ họ tự chọn người có nghề lập thành một tổ từ 3 - 5 người chuyên nhận các công trình.

Anh Lý Văn Dồn, thôn Khuổi My, người Dao áo dài của xã Phương Độ, thành phố Hà Giang là một “kiến trúc sư” thi công nhà sàn trẻ tuổi. Mỗi năm, anh cùng đội thợ nhận từ 3-4 công trình nhà sàn gỗ quanh thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên. Dựng nhà sàn đều có một mẫu chung, không cầu kỳ như thiết kế nhà xây, nhưng các tiểu tiết nhỏ trong từng cái kèo, cột của ngôi nhà sàn lại tùy theo ý của chủ nhà nên người làm nhà sàn thường điều chỉnh theo ý gia chủ mong muốn. Hiện nay các máy cưa, bào cũng hiện đại hơn nên công việc cũng không vất vả như trước đây nên công cán cho thợ mỗi ngôi nhà hoàn thành cũng khá hơn trước.

Hiện nay nhiều người chọn vật liệu mới làm nhà sàn bằng bê tông tiện lợi và chi phí thấp hơn, nhưng vẫn nhiều người muốn giữ nếp nhà truyền thống bằng gỗ nên vẫn cần những thợ làm nhà sàn gỗ lành nghề. Mỗi khi nhận công trình, ông Nguyễn Đình Chiến thường cho con trai theo để phụ việc và học nghề. Những ngôi nhà sàn mái cọ vẫn là nơi sinh sống yên bình và đầm ấm, là tài sản lớn nhất của người Tày, vậy nên cần truyền nghề cho thế hệ sau, đó là suy nghĩ của những người thợ làm nhà sàn như ông./.

 

                                                                Theo Hà Giang online

Thu Ha bt 2 ảnh kt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC