(VOV) - Nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết, nhiều cô gái dân tộc thiểu số ở Sơn La đã trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người qua biên giới. Nhiều người trở về được nhưng nỗi đau vẫn âm ỉ, nhiều người thì bặt vô âm tín.
Trở về với gia đình đã gần 2 năm, nhưng ký ức buồn đau về những ngày bị bán sang Trung Quốc vẫn in đậm trong tâm trí chị Vừ thị Cho, ở bản Huổi Ái, xã Mường É, huyện Thuận Châu. Chị Cho kể: Tết năm đó, có người gọi điện rủ đi chơi, thế là chị đi theo, cũng chẳng biết đi đến đâu. Đến khi bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ thì chị mới biết là mình đã bị lừa. Không biết tiếng, không biết địa điểm, chị Cho tưởng mình sẽ không còn có ngày được trở về. Hơn 2 năm sống ở Trung Quốc, nỗi nhớ gia đình, quê hương vẫn đau đáu trong chị, mặc dù đã sinh được cho nhà chồng một cô con gái. Chắt chiu những đồng tiền lẻ chồng cho, chị đã tìm cách trốn khỏi nhà chồng.
“Bây giờ trở về chỉ sống dựa vào các anh, các chị thôi. Mình cũng rất nhớ con gái nhưng không biết làm thế nào. Bây giờ mình không dám nghe và tin theo lời người lạ nữa” - chị Cho nói.
Các đoàn thể thăm hỏi động viên gia đình người gặp nạn. Ảnh: Bích Thủy/VOV-Tây Bắc
Cô gái Lò thị Tiến, ở bản Lái, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, cũng may mắn tìm được đường về sau những tháng ngày khốn khổ nơi xứ người. Tháng 11/2013, chỉ từ sự quen biết và yêu qua điện thoại, Tiến bị một thanh niên rủ rê đi chơi, hứa về sẽ cưới làm vợ, nhưng lại lừa bán sang Trung Quốc. Ở đó, Tiến đã 2 lần bị mua đi bán lại. Trước khi bỏ trốn, em phải làm vợ 1 người đàn ông điên, phải lao động rất cực nhọc: “Ở nhà người ta em làm ngô. Ăn cơm thì không ăn như mình đâu, toàn ăn cháo, ăn ngô này. Kinh khủng lắm. Nhớ lại thì em thấy sợ rồi”.
Thực tế ở Sơn La, các đối tượng mua bán người thường nhắm vào phụ nữ dân tộc Mông và Thái sống ở vùng sâu, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin. Phương thức dụ dỗ của chúng chủ yếu thông qua mạng xã hội trên internet hay điện thoại để làm quen, giả vờ yêu rồi dụ dỗ đưa đi chơi, hoặc tìm việc làm nhàn nhã nhưng thu nhập cao, sau đó đưa nạn nhân vượt biên theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc bán.
Trung tá Thiều Ngọc Thanh, Phó trưởng phòng An ninh Điều tra, Công an tỉnh Sơn La, cho biết: Tuy không phải là địa bàn trọng điểm về loại tội phạm này, nhưng tội phạm mua bán người đang gia tăng cả số vụ và số nạn nhân bị mua bán. Năm 2015, Công an tỉnh Sơn La khởi tố 11 vụ, bắt 21 đối tượng, giải cứu 34 nạn nhân. Chỉ riêng 6 tháng năm 2016, đã khởi tố 9 vụ, bắt 19 đối tượng, giải cứu 15 nạn nhân. Hầu hết các vụ án mua bán người xảy ra ở xa trung tâm, người nhà nạn nhân không biết con em mình lừa bán, đến khi biết thì manh mối tìm kiếm rất khó khăn.
Theo thống kê, toàn tỉnh Sơn La có gần 350 phụ nữ và trẻ em nghi bị lừa bán sang Trung Quốc trong 5 năm nay. Sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết của các cô gái đã đưa họ rơi vào cạm bẫy.
Hồng Việt/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận