Những đảng viên đặc biệt nơi biên giới
Chủ nhật, 15:12, 25/08/2024 Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Chủ trương tăng cường, giới thiệu đảng viên là cán bộ biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ với các bản biên giới và giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn được Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm.

 

 

Những đảng viên đặc biệt của bản làng biên giới đã góp phần không nhỏ trong việc góp sức cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở; củng cố, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa quân và dân; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Truyền lửa cho chi bộ vùng biên

Chặng đường dài gần 10km với những khúc cua tay áo, lầy lội bùn đất để đến bản Đen, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, Sơn La... không làm chùn bước thiếu tá Nguyễn Văn Dược, nhân viên đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Phiêng Pằn.

Từng nếp nhà, vạt nương của các hộ gia đình trong bản cũng không còn xa lạ với thiếu tá Dược, bởi từ khi được phân công tham gia sinh hoạt cùng chi bộ bản Đen, anh đã luôn coi mình là người con của bản.

“Thời gian qua sinh hoạt cùng chi bộ bản, tôi đã kịp thời nắm bắt tình hình chi bộ, tình hình đảng viên, quần chúng nhân dân, qua đó đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, địa phương. Đặc biệt bản Đen giáp với khu vực ngoại biên, nên ngoài việc tuyên truyền đường lối, chính sách thì phải vận động bà con không xâm canh, xâm cư, lấn chiếm sang biên giới, vượt biên giới trái phép, khai thác lâm, thổ sản trái pháp luật...” – anh Dược chia sẻ.

Từ khi thành lập năm 2006, đến nay, chi bộ bản Đen mới có 6 đảng viên. Sự góp mặt của cán bộ biên phòng đã tiếp thêm sức mạnh cho chi bộ bản trong việc tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, người đảng viên biên phòng này đã truyền lửa trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và hơn 300 người dân bản Đen; tạo sự đồng lòng, đoàn kết, không để xảy ra tình trạng vượt biên giới trái phép, khai thác lâm, thổ sản trái pháp luật, phát sinh vấn đề nóng... trong những năm gần đây.

Anh Lù A Cáng, Bí thư chi bộ, trưởng bản Đen cho biết: Chi bộ tôi có cán bộ đồn sinh hoạt cùng, đã tham mưu cho cấp ủy, ban quản lý bản ra nghị quyết và một số nội dung để giúp bà con phát triển về kinh tế, xã hội. Rồi những vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, an ninh biên giới... khi có chiến sĩ biên phòng sinh hoạt cùng thì các đồng chí cũng góp ý kiến để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Không chỉ 4 bản giáp biên như bản Đen, mà ở xã Phiêng Pằn, 100% chi bộ bản đều có đảng viên thuộc các đội nghiệp vụ của Đồn Biên phòng Phiêng Pằn, Bộ đội Biên phòng Sơn La tham gia sinh hoạt cùng.

Theo trung tá Lò Văn Diện, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn biên phòng Phiêng Pằn, đơn vị đã hiện thực hóa chủ trương của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng nói chung, sự chỉ đạo của đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Sơn La, gắn với tình hình thực tiễn của địa bàn xã biên giới.

“Chúng tôi thấy rằng phải triển khai đầy đủ các đồng chí đảng viên của Đồn biên phòng tham gia sinh hoạt ở chi bộ 17 bản của xã Phiêng Pằn; để nắm về tình hình của chi bộ, đảng viên, của cấp ủy, chính quyền địa phương và tham mưu cho các chi bộ bản thực hiện nhiệm vụ củng cố hệ thống chính trị cơ sở; ra các Nghị quyết lãnh đạo các chi bộ bản và củng cố cơ sở chính trị, giúp chi bộ phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, đặc biệt là thực hiện xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới.” – Trung tá Lò Văn Diện nói.

Tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (Lào), Phiêng Pằn là xã biên giới có địa hình chia cắt, chủ yếu là núi cao, vực sâu, khí hậu khắc nghiệt; trình độ nhận thức của đồng bào Mông, Xinh Mun còn hạn chế... Tuy nhiên, những đảng viên mang quân hàm xanh đã vượt qua những khó khăn, thách thức, góp sức củng cố hệ thống chính trị, đồng hành với sự đổi thay của địa phương.

Ông Lù A Dủa, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, Sơn La đánh giá: Chất lượng sinh hoạt chi bộ từ khi cử các đồng chí đến cơ sở bản dự sinh hoạt và cách sinh hoạt, cũng như là cách ban hành các nghị quyết lãnh đạo của chi bộ đạt hiệu quả cao hơn so với trước. Trong công tác phát triển kinh tế, các đồng chí cũng như các đội nghiệp vụ đến các bản thường xuyên và hướng dẫn bà con nhân dân trồng cây gì, nuôi con gì... để phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng mức thu nhập của người dân... có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua.

Điểm tựa của những người yếu thế

Không chỉ phân công đảng viên tham gia sinh hoạt cùng chi bộ bản biên giới, các Đồn biên phòng còn cử sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trực tiếp phụ trách, hỗ trợ từng hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

“Nếu không được các anh biên phòng hỗ trợ thì gia đình không có nhà để che nắng che mưa, để yên tâm sản xuất. Hỗ trợ nhà rồi các anh còn hỗ trợ mô hình trồng cây lê, cây mận... Đặc biệt là các anh rất sát sao, có gì ốm đau cũng hỏi thăm, giúp đỡ; không về được thì cũng điện sang hỏi ông bà thế nào rồi, cây ăn quả sao rồi, như người thân trong nhà luôn...”

Người đã đồng hành với gia đình anh Vì Văn Bắc, bản Nà Mùa, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La trong hành trình vươn lên thoát nghèo, là đồng chí Vì Văn Lun, đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Chiềng Tương. 

“Để hỗ trợ được, tôi phải trực tiếp lên từng hộ gia đình, nắm tâm tư nguyện vọng của gia đình, như hướng phát triển kinh tế thì gia đình muốn trồng cây gì... Như bà con muốn trồng cây lê thì mình hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc.” – Anh Lun cho hay.

Đến hẹn, mỗi tháng, thiếu tá Thào Nguyên Hồ, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Chiềng Tương cùng đồng đội lại tự tay đong từng bao gạo từ hũ gạo tiết kiệm của đơn vị, rồi chở tới tận nhà anh Phạm Văn Hiếu – hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã.

Anh Hiếu nghẹn ngào nói: Sức khỏe tôi bây giờ yếu rồi, bị liệt hơn 10 năm nay, đi chữa nhiều chỗ không khỏi, bây giờ nằm một chỗ ở nhà thôi, không làm được gì. Lao động chính thì chưa có ai, vợ cũng ốm yếu bệnh tật, con thì vừa lớn, thu nhập bấp bênh, khó khăn... Có cán bộ biên phòng quan tâm, giúp đỡ gia đình nhiều, thường xuyên đến thăm, hỗ trợ gạo, bánh kẹo, vật dụng thiết yếu...

Với mong muốn trở thành điểm tựa cho những người khó khăn, yếu thế, không để đối tượng thù địch, tội phạm biên giới có cơ hội lợi dụng, lôi kéo... Đồn Biên phòng Chiềng Tương đã phân công 24 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trực tiếp giúp đỡ 62 hộ gia đình đặc biệt khó khăn của 2 xã Chiềng Tương, Lóng Phiêng mà đơn vị quản lý.

Thiếu tá Nguyễn Công Lưu, Bí thư đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Tương chia sẻ: Bà con khu vực biên giới trình độ còn thấp, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Thứ hai là khu vực biên giới vấn đề về an ninh, trật tự, tội phạm hoạt động cũng tương đối phức tạp. Vậy nên đưa cán bộ biên phòng về phụ trách các hộ gia đình thứ nhất là về giúp đỡ bà con nhân dân; thứ hai là một phương thức để để trấn áp các loại tội phạm khu vực biên giới…

Những bờ vai với hai trách nhiệm đã thực hiện vai trò, sứ mệnh đặc biệt của mình, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền thay đổi diện mạo vùng biên.

Ông Phạm Văn Tiến, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, Sơn La khẳng định: Chủ trương của Bộ đội Biên phòng phân công cán bộ, chiến sĩ giúp cho các gia đình khó khăn, nhất là ở bản biên giới phải nói rất hiệu quả, đã giúp cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Những năm gần đây, đời sống của bà con phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt được hiệu quả, nhất là cây mận, cây nhãn...; hộ nghèo giảm hàng năm từ 3 – 3,5%.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 158 đảng viên là cán bộ Bộ đội biên phòng tỉnh tham gia sinh hoạt chi bộ tại 130 bản biên giới. 215 đảng viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Bộ đội biên phòng tỉnh được phân công phụ trách, giúp đỡ 424 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn vùng biên.

Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La cho biết: Với phương châm Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt, cán bộ biên phòng ở cơ sở đã làm tốt việc ba bám bốn cùng với bà con nhân dân biên giới. Từ đó tạo ra niềm tin, tạo ra sự đồng thuận giữa Bộ đội Biên phòng và nhân dân.

Mỗi gia đình an cư, lạc nghiệp, không bị đói nghèo bủa vây, không bị đối tượng thù địch lôi kéo, lợi dụng; mỗi bản làng thêm đồng lòng, vượt khó, bảo vệ biên cương... là thành quả ngọt ngào sau bao cố gắng của những cán bộ, đảng viên, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nói riêng, cũng như chủ trương đúng đắn của Đảng, Quân đội về việc đưa cán bộ đảng viên biên phòng tăng cường về cơ sở./.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC