Những lá đơn xin thoát nghèo của người Mông ở Cốc Lào
Thứ ba, 10:01, 12/12/2023 Công Luận/VOV Đông Bắc Công Luận/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Không trông chờ, không ỷ lại, nhiều gia đình người Mông ở bản Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm - huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh Bắc Kạn đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Ý nghĩa hơn khi việc xin thoát nghèo của họ xuất phát từ mong muốn nhường lại phần hỗ trợ cho những hộ khó khăn hơn.

 

Ông Trang A Dinh, dân tộc Mông ở Cốc Lào quyết định viết đơn gửi xã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng do không biết chữ nên nhờ con dâu viết hộ. Hàng chục năm qua, gia đình ông luôn trong diện hộ nghèo và người đàn ông đã sống hơn nửa đời người quyết định phải vươn lên thay đổi cuộc sống.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để chăn nuôi trâu, lợn nái, gà thả đồi và trồng thêm ngô, lúa; mua máy xay xát phục vụ gia đình và bà con trong bản... Chịu thương chịu khó nên vài năm nay, dù chưa có của ăn của để nhưng cái ăn cái mặc đã tạm đủ nên ông quyết định viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

“Tôi năm nay hơn 50 tuổi rồi, tôi muốn xin ra khỏi hộ nghèo vì Nhà nước hỗ trợ cho tôi, tôi cũng làm ăn ổn định, bây giờ đủ ăn rồi nên xin ra khỏi hộ nghèo để nhường cho hộ khác. Trước gia đình tôi vay Nhà nước về mua trâu, rồi nuôi lợn nữa cuộc sống của mình cũng dần dần ổn định, giờ cũng không đói rồi". - Ông Trang A Dinh chia sẻ.

Cốc Lào là bản còn khó khăn của xã Giáo Hiệu, huyện vùng cao Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn với 77 hộ gia đình, trong đó người Mông chiếm đa số. Tỉ lệ hộ nghèo của bản lên đến hơn 50%. Vậy nhưng, điều đáng ghi nhận là những người Mông ở Cốc Lào không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi ông Trang A Dinh không phải là trường hợp duy nhất thể hiện ý chí vươn lên bằng lá đơn "xin thoát nghèo". 

Anh Hừ A Dỉa, người đầu tiên ở Cốc Lào tự nguyện xin thoát nghèo, cho biết, năm 2018, việc anh viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã khiến nhiều người bất ngờ. Khi đó, gia đình 4 miệng ăn của anh Dỉa vẫn còn phải lo từng bữa. Nhưng anh nghĩ: mình còn trẻ, có sức khỏe và hơn hết, anh không muốn các con mãi phải mang cái mác “con hộ nghèo”. 

Anh Hừ A Dỉa tâm sự: “Tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo biết là mất sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng tôi cũng lấy đó làm động lực vươn lên, để những gia đình khác còn nghèo khổ hơn được hỗ trợ. Mình còn sức khỏe còn làm được nhiều thứ, chứ ở đây vẫn còn nhiều hộ thật sự khó khăn lắm, nếu phần của mình có thể san sẻ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mình cũng cảm thấy rất vui".

Bà Dương Thị Liên, Bí thư Chi bộ Cốc Lào, xã Giáo Hiệu cho biết: "Thoát nghèo" ở Cốc Lào không phải là hình thức, bởi đến nay cả 3 hộ sau khi xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã có cuộc sống ổn định, dần khấm khá. 

"Qua việc các hộ gia đình viết đơn xin thoát hộ nghèo, bà con cũng nhận thức ra là mình tuy chưa đầy đủ lắm nhưng so với các miền khác người ta còn khó khăn hơn mình, nên là bà con cũng có ý thức tự giác là cố gắng góp phần nào đó để ủng hộ cho các hộ khác còn khó khăn hơn. Qua tìm hiểu, sang năm cũng có một số này có ý tưởng viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo như vậy". - Bà Liên nói. 

Những năm qua, hàng chục hộ gia đình người dân tộc thiểu số như Tày, Mông, Dao… ở huyện vùng cao Pác Nặm đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện, Pác Nặm có gần 50% số hộ nghèo và hơn 14% hộ cận nghèo, do đó những lá đơn xin thoát nghèo cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức người dân.

"Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả của công tác giảm nghèo, đó là phải khơi dậy được khát vọng thoát nghèo của mỗi người dân. Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Pác Nặm đã có nhiều hộ gia đình được thụ hưởng các chính sách của các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, có cuộc sống khá hơn và đã chủ động làm đơn xin thoát nghèo. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Trang A Dinh, người dân tộc Mông tại thôn Cốc Lào, xã Giáo Hiệu. Với chúng tôi đây là một tín hiệu hiệu đáng mừng cho công tác giảm nghèo tại địa phương và những tấm gương hộ gia đình làm đơn xin thoát nghèo thực sự đáng biểu dương, trân trọng và chính họ đã tạo được động lực, sức lan tỏa cho nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn". - Bà Ma Thị Mận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho hay.

Dù còn nhiều khó khăn, những người Mông ở Cốc Lào nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn nói chung đã vươn lên, nỗ lực làm việc để thoát "mác nghèo". 

Công Luận/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC